Banner tiếng Việt
Vietnamese English

RDPR phối hợp tổ chức chuyến tham quan thực tế thủy điện A Vương và Đak mi 4 tại Quảng Nam cho người dân Quảng Bình

Đăng lúc: Thứ ba - 05/08/2014 14:29 - Người đăng bài viết: admin
Từ ngày 15 đến 18/7/2014, Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Xã hội (CSRD) đã phối hợp với RDPR tổ chức chuyến đi thực tế tham quan thủy điện A Vương và Đak mi 4 tại tỉnh Quảng Nam cho cán bộ và người dân sống ở lưu vực sông Long Đại tại xã Trường Xuân, Trường Sơn, huyện Quảng Ninh, và xã Lâm Thủy, Kim Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình.
Trong 20 năm qua, sự gia tăng nhanh chóng về số lượng của các nhà máy thủy điện vừa và nhỏ ở miền Trung Việt Nam đã và đang kéo theo nhiều vấn đề môi trường và xã hội gây hậu quả bất lợi cho sự phát triển bền vững của toàn bộ khu vực, đặc biệt cho cộng đồng những người sống tại các lưu vực sông đang chịu ảnh hưởng trực tiếp từ các công trình thủy điện. Vì vậy, chuyến tham quan nhằm tạo điều kiện cho người dân sống tại các lưu vực sông Long Đại, Quảng Bình được nâng cao nhận thức, và có cơ hội gặp gỡ, kết nối và chia sẻ thông tin với cộng đồng tái định cư thủy điện tỉnh Quảng Nam. 
 


           Thủy điện A Vương: khởi công 31/8/2003 khánh thành 10/07/2010

Được sự đồng ý của chính quyền xã, đoàn tham quan đã đến thăm làng tái định cư, phỏng vấn từng hộ dân về quá trình tái định cư, những khó khăn gặp phải; lắng nghe chia sẻ của cán bộ xã về tái định cư và hướng khắc phục.
Hai thủy điện A Vương (công suất 210 MW) và Đak mi 4 (công suất 190 MW) là hai nhà máy lớn tại Quảng Nam được khởi công xây dựng từ năm 2003 và năm 2007. Đến nay, các hộ gia đình sống tại lưu vực sông của 2 công trình thủy điện này đã được giải quyết nhà ở và hỗ trợ tại khu tái định cư mới. Tuy nhiên,  nhiều vấn đề lo ngại vẫn đang tồn tại. 
 


Ông Phan Duy Tân, chủ tịch xã Macooih phát biểu chia sẻ ý kiến về những chính sách cho khu tái định cư
 
Theo chia sẻ của các cán bộ xã và người dân, khu tái định cư thủy điện được bố trí không hợp lý, thiếu đất sản xuất cho người dân tái định cư. Chất lượng nhà tái định cư không đảm bảo, không phù hợp với phong tục tập quán của người dân địa phương, khó khăn trong sinh hoạt đặc biệt là phát triển chăn nuôi và vấn đề môi trường.
 
Trước kia, người dân sống ở vùng đất màu mỡ, nguồn nước ngọt dồi dào nên làm ăn thuận lợi. Giờ hạ nguồn đã vơi nước, độ mặn cao nên không thể bơm nước lên đồng, việc canh tác lúa nước không thuận lợi, người dân không có việc làm ăn. Chính sách đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho khu tái định cư còn nhiều nan giải, thiếu tính đa dạng, chưa phù hợp với điều kiện thực tiễn địa phương và tập quán người dân, có nhiều người dân đã phải bỏ nhà mới ở khu tái định cư di tán đến nơi khác.
 

 
Chất lượng nhà tái định cư không đảm bảo
 
Chuyến đi thực tế này đã giúp đoàn tham quan Quảng Bình hiểu rõ hơn tác động của việc xây dựng công trình thủy điện đối với cuộc sống  của những người dân tại khu định cư thủy điện A Vương và Đak mi 4 tỉnh Quảng Nam. Đây cũng là mối lo ngại chung của tất cả những người dân đang sống tại các lưu vực sông khi càng ngày càng có nhiều công trình thủy điện được đầu tư xây dựng và đưa vào hoạt động, với những ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường và cuộc sống người dân./
Tác giả bài viết: BBT RDPR
 

Kết nối cộng đồng

Videos