Banner tiếng Việt
Vietnamese English

Thực trạng và nhu cầu sử dụng đất của đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Bình

Đăng lúc: Thứ bảy - 30/11/2013 10:41 - Người đăng bài viết: admin
Thực trạng và nhu cầu sử dụng đất của đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Bình

Thực trạng và nhu cầu sử dụng đất của đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Bình

Ngày 26/11, tại TP Đồng Hới (Quảng Bình), Ban dân tộc tỉnh phối hợp với Quỹ phát triển nông thôn và giảm nghèo huyện Quảng Ninh tổ chức Hội thảo “Thực trạng và nhu cầu sử dụng đất của đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Bình”.

Theo thống kê của Ban Dân tộc tỉnh Quảng Bình, tính đến hết 31/12/2012, Quảng Bình có 4.876 hộ dân tộc thiểu số (DTTS) với 21.641 nhân khẩu, trong đó có 2 DTTS chủ yếu là Bru-Vân Kiều và Chứt cùng 9 DTTS khác. DTTS trên địa bàn tỉnh chủ yếu sinh sống tại khu vực miền núi khó khăn. Thực trạng thiếu đất sản xuất, diện tích chưa đáp ứng được nhu cầu sử dụng vẫn còn tồn tại dẫn đến tình trạng thiếu việc làm, thu nhập thấp, bấp bênh. Cũng do thiếu đất sản xuất nên dẫn đến tình trạng lấn chiếm, tranh chấp đất đai giữa người dân với các công ty lâm nghiệp trên địa bàn.

 

 Từ trái sang: Ông Hoàng Văn Tân, Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh; ông Phạm Mậu Tài, Giám đốc Quỹ phát triển nông thôn và giảm nghèo huyện Quảng Ninh
đồng chủ trì Hội thảo
(Ảnh: HNV)

Nêu ra tính cấp thiết của thực trạng thiếu đất sản xuất của bà con DTTS Quảng Bình hiện nay, Báo cáo nghiên cứu “Thực trạng và nhu cầu sử dụng đất rừng sản xuất của đồng bào DTTS tỉnh Quảng Bình” do Ban Dân tộc tỉnh phối hợp với Quỹ phát triển nông thôn và giảm nghèo huyện Quảng Ninh thực hiện từ tháng 7 đến tháng 10/2013, tại 7 xã của 4 huyện miền núi, biên giới, khó khăn đã cho thấy, mặc dù các xã miền núi có diện tích tự nhiên rất lớn nhưng việc tiếp cận đất, bao gồm cả đất ở và đất sản xuất của người dân hiện vẫn còn khó khăn. Kết quả khảo sát cho thấy có 3/6 xã người dân thiếu đất ở và 6/6 xã thiếu đất rừng sản xuất, trong đó các xã thiếu trầm trọng là Trường Sơn (huyện Quảng Ninh), Lâm Thủy và Ngân Thủy (huyện Lệ Thủy). Có tới 93% người dân có nhu cầu được cấp thêm đất sản xuất và đây là nhu cầu cấp thiết hơn so với các nhu cầu khác, đặc biệt là nhu cầu về đất rừng sản xuất của người dân các bản mới thành lập tại các xã Trọng Hóa (huyện Minh Hóa), xã Lâm Thủy (huyện Lệ Thủy)…

 

Tại Hội thảo, các đại biểu thống nhất cao rằng, trong những năm gần đây, nhu cầu sử dụng đất của đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh là một nhu cầu tất yếu và ngày càng trở nên cấp thiết, đặc biệt ở một số huyện Lệ Thủy, Quảng Ninh, Bố Trạch, Minh Hóa, Tuyên Hóa… Tính đến nay, về cơ bản, tỉnh đã giải quyết một bước về tình trạng thiếu đất sản xuất ở vùng đồng bào DTTS nhưng tiến độ giao đất trên thực địa còn chậm, do diện tích đất được giao sau khi thu hồi chưa phù hợp với đề xuất của UBND các xã, phần lớn diện tích đất bóc tách giao cho người dân sử dụng, quản lý là rừng đặc dụng không khai thác được hoặc đất được giao xa khu dân cư, xa đường giao thông, diện tích đất trên núi cao, khe suối …

Thực tiễn trên cho thấy, việc giao đất sản xuất cho DTTS cần đi kèm với các giải pháp hỗ trợ khác từ phía nhà nước nếu không việc quản lý, sử dụng diện tích đất sau khi được giao khó phát huy hiệu quả.

Phát biểu tại Hội thảo, Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Quảng Bình Hoàng Văn Tân nêu rõ, công tác chỉ đạo, quản lý đối với việc sử dụng đất sản xuất (nông – lâm nghiệp) đã được các cấp, ngành quan tâm, kịp thời giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho đồng bào DTTS từng bước ổn định cuộc sống, xóa đói giảm nghèo. Tuy đã đạt những kết quả nhất định nhưng việc sử dụng và quản lý sử dụng đất sản xuất cho đồng bào DTTS còn phức tạp, tình trạng xâm canh, lấn chiếm vẫn còn xảy ra. Do đó, theo ông Hoàng Văn Tân, cần lưu ý các sở, ngành, địa phương có liên quan tiếp tục rà soát, tham mưu cho UBND tỉnh điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất sản xuất nông – lâm nghiệp trên địa bàn vùng đồng bào DTTS, đồng thời cân đối giao và cấp đất đủ cho các hộ đồng bào DTTS thiếu đất sản xuất theo mức bình quân của địa phương nhất là các cụm dân cư, các hộ gia đình sinh sống trong vùng có các lâm trường; hỗ trợ khai hoang, cải tạo đất sản xuất ở những nơi có khả năng khai hoang, nâng định mức hỗ trợ khai hoang từ 10 triệu đồng/ha lên 15 triệu đồng/ha; rà soát, cân đối đất rừng giao cho các hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng DTTS tham gia bảo vệ và trồng rừng mới theo quy định của pháp luật đồng thời giao trách nhiệm cho lực lượng kiểm lâm hoặc các tổ chức có năng lực hướng dẫn và giúp đồng bào tổ chức bảo vệ rừng…

Đồng quan điểm này, ông Phạm Mậu Tài, Giám đốc Quỹ phát triển nông thôn và giảm nghèo huyện Quảng Ninh đề xuất, cần đảm bảo đủ đất sản xuất cho đồng bào DTTS. Đây là cơ sở để người dân sản xuất và ổn định cuộc sống bền vững. Do đó, tạo điều kiện cho người dân tham gia quản lý và sử dụng đất rừng tại địa phương vừa tạo thu nhập vừa góp phần bảo vệ hiệu quả đất rừng tự nhiên. Đối với các xã không còn quỹ đất, cần có giải pháp thu hồi đất từ các công ty lâm nghiệp và từ Ban Quản lý rừng phòng hộ đang quản lý. Để thúc đẩy sớm việc thu hồi, trước mắt, chính quyền xã cần chủ đổng rà soát lại các diện tích đất đề xuất thu hồi, xây dựng phương án giao đất đồng thời chính quyền địa phương cũng cần vận động tích cực, thường xuyên để người dân tổ chức sản xuất trên diện tích đã có và hạn chế việc mua bán, sang nhượng đất rừng...

 

Số liệu thống kê Ban Dân tộc tỉnh đưa ra, năm 2012, UBND tỉnh thu hồi 3.460ha đất lâm nghiệp của các lâm trường đẻ giao cho đồng bào. Tuy nhiên, việc giao trên thực địa khó khăn gấp nhiều lần so với giao trên hồ sơ. Tính đến thời điểm hiện nay, tỉnh đã giao đất sản xuất cho 2.650 hộ với diện tích 2.187,2ha (bình quân 0,84ha/hộ) và giao đất lâm nghiệp cho 2.533 hộ, diện tích khoảng 5.520,2ha (bình quân 2,2ha/hộ). Trong khi kết quả khảo sát nghiên cứu thực tế cho thấy các hộ đồng bào DTTS có đủ năng lực sản xuất (nguồn lực lao động và nguồn vốn) để đảm bảo có thể tiếp nhận và sử dụng tốt đất rừng sản xuất được giao khoảng 3-5ha/hộ.



 

 

Tác giả bài viết: Theo Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam
Nguồn tin: dangcongsan.vn
 

Kết nối cộng đồng

Videos