Banner tiếng Việt
Vietnamese English

Người Vân Kiều giảm nghèo nhờ cây đót

Đăng lúc: Thứ ba - 17/09/2019 23:30 - Người đăng bài viết: admin
Trồng mỗi hécta đót cho thu nhập hơn 30 triệu đồng/năm, cao hơn nhiều so với trồng keo lai, công việc này đang thu hút người Vân Kiều ở bản Khe Cát (xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh, Quảng Bình).

Người bản Khe Cát bán đót

Người bản Khe Cát bán đót

Ông Nguyễn Văn Tráng, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Trường Sơn, cho biết, 3 năm trước, người Vân Kiều bản Khe Cát thường chạy ăn từng bữa nhất là lúc giáp hạt. Nhưng từ khi mô hình trồng cây đót được triển khai, bà con đã thoát đói, một số hộ thoát nghèo.

Bản Khe Cát nằm bên đường Hồ Chí Minh, cách trung tâm xã 15km, nguồn thu nhập chính của người Vân Kiều nơi đây chỉ có một ít diện tích cây sắn, ngô, lạc; một số hộ chăn nuôi trâu bò. Tuy nhiên, do mới chấm dứt cuộc sống du canh du cư nên người dân bản chưa có kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, vì vậy năng suất không cao. 88 hộ với hơn 400 nhân khẩu sống chủ yếu dựa vào rừng để kiếm cái bỏ vào bụng. 

 Quỹ Phát triển nông thôn và giảm nghèo huyện Quảng Ninh (RDPR) đã phát hiện ra việc bà con vào rừng lấy đót bán cho thương lái sẽ cho thu nhập tốt. Từ đó, RDPR quyết định mở dự án đưa đót hoang dã về trồng nhằm giúp người Vân Kiều thoát nghèo. Đã 3 năm cây đót được “thuần hóa”, với bà con Vân Kiều đó là “cây vàng”.

Chị Hồ Thị Thi - người dân của bản, giải thích: “Rừng trồng keo tràm mỗi hécta bình quân chỉ thu được chừng 5 triệu đồng/năm, mà nhanh nhất cũng phải 5 năm. Ở đây đường thu mua quá xa, thương lái không ưng keo vùng này. Còn cây đót, mình đưa về trồng, thương lái rất ưng. Mỗi hécta bây chừ cho thu nhập hơn 30 triệu đồng/năm rồi. Nhà mình có hơn 2ha đót lo cơm áo cho các con, còn mua được chút vàng cất trữ thì là “cây vàng” chứ gì nữa. Sắp tới, mỗi hộ sẽ mở rộng diện tích trồng đót, đời sống sẽ khấm khá hơn, có của ăn của để”.

Theo ông Nguyễn Văn Tráng, năm đầu tiên, RDPR cho thí điểm mô hình mỗi hộ 0,5ha. Lúc đó kỹ thuật chưa tốt, chủ yếu để thăm dò đất đai và người dân cũng chưa hiểu rõ cách trồng nên năng suất chưa cao. Vụ đầu cũng được 10 triệu đồng. Nay đến vụ thứ 3, bà con đã nâng cao cách trồng và yên tâm với cách thoát nghèo bền vững này. Dự án đã tạo thêm cơ hội để phụ nữ có thu nhập cao hơn, góp phần bảo vệ rừng tốt hơn, qua đó cũng nâng cao năng lực và vị thế của người phụ nữ trong gia đình và xã hội. Lúc đầu dự án chỉ có 10 hộ dân tham gia, nhưng nay là con số tăng lên cả bản và giờ không chỉ phụ nữ mà đàn ông cũng rất tích cực với trồng, chăm sóc đót. “Nhờ cây đót mà đàn ông siêng năng hơn, ít uống rượu say, ai cũng lo chăm đót trên rừng trồng nên không còn bê tha”, bà Hồ Thị Xin, một người dân bản nói.


Tác giả bài viết: MINH PHONG
Nguồn tin: www.sggp.org.vn
 

Kết nối cộng đồng

Videos