Mô hình cho thu nhập nhanh, bền vững và đầy tính nhân văn của phụ nữ Vân Kiều bản Khe Cát

Mô hình cho thu nhập nhanh, bền vững và đầy tính nhân văn của phụ nữ Vân Kiều bản Khe Cát Không chỉ hứa hẹn đưa lại một vụ đót bội thu, mà dự án bảo tồn và phát triển cây đót của nhóm phụ nữ Vân Kiều thôn Khe Cát đã đặt nền móng cho một sinh kế bền vững gắn với bảo vệ và phát triển rừng. Chúng tôi cảm nhận được rõ tính nhân văn, tinh thần nhân ái, lá lành đùm lá rách, chia ngọt sẻ bùi của những người phụ nữ Vân Kiều đầu nguồn sông Long Đại thuộc xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình.
 
 
“Sau những ngày tập huấn ở Hà Nội, phải mất hơn 2 tháng mới loay hoay tìm chọn được cho phụ nữ Vân Kiều xã Trường Sơn một dự án giúp chị em cải thiện cuộc sống” - Chị Hồ Thị Con, nguyên Chủ tịch Mặt trận tổ quốc xã Trường Sơn, thành viên Mạng lưới Đất rừng chia sẻ. Nhóm Bảo tồn và Phát triển cây đót có 10 thành viên tham gia, trong đó có 9 phụ nữ, được chính quyền xã Trường Sơn ủng hộ để thí điểm tạo sản phẩm tại bản Khe Cát, xã Trường Sơn.
Vì chưa quen với việc trồng và chăm sóc đót, nên nhóm đã được Trung tâm CIRUM (nguồn vốn Dự án EU) hỗ trợ tổ chức một cuộc tham quan mô hình trồng đót tại huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình, cùng với vai trò trực tiếp điều phối của Quỹ Phát triển Nông thôn và Giảm nghèo huyện Quảng Ninh (RDPR). Chuyến tham quan đã tạo cơ hội cho người phụ nữ Vân Kiều làng Khe Cát lần đầu được tận mắt thấy rõ: cây đót được trồng, chăm sóc thì sẽ phát triển và tạo thu nhập tốt hơn khai thác đót tự nhiên.
Sau chuyến tham quan các thành viên được tập huấn kỹ thuật trồng đót, xác định vùng trồng và được hỗ trợ trực tiếp 8,3 triệu đồng để phát triển đót. Bình quân mỗi thành viên trồng 1.200 đến 1.500 gốc đót trên khoảng 1ha. Đót trồng từ tháng 5/2017 và đến tháng 01/2018 đã bắt đầu cho thu hoạch. Anh Nguyễn Văn Tráng, Chủ tịch Mặt trận xã Trường Sơn chia sẻ “Trồng đót là đúng hướng rồi. Trồng keo giờ khó bán lắm do đường sá vận chuyển khó khăn. Cả 5-6 năm trồng keo may ra chỉ thu về có 20 triệu đồng. Còn trồng đót 1 ha mỗi năm có thể thu về 20 triệu. Kỹ thuật trồng và chăm sóc đơn giản, chỉ giai đoạn đầu cần đầu tư nhiều. Chị Hồ Thị Xiên là một điển hình trồng đót: từ khu vực có 200 gốc đót tự nhiên, chị đã trồng được 1.200 gốc. Sắp tới khoảng 15-20 ngày nữa đót cho thu hoạch. Đót cả tươi và khô bán khi nào cũng có giá. Kinh nghiệm cho thấy: khi thu hoạch xong thì phát tận gốc cả bụi đót, rồi đợi thân đót khô là đốt tại chỗ. Nguồn tro từ chính cây đót lại nuôi cây đót. Mùa sau đót lên đều, khỏe và tốt hơn đót tự nhiên mà không phải bón thêm phân tro gì thêm. Lấy đót nuôi đót mà”.
Chị Hồ Thị Sen, một thành viên của nhóm cho biết “trồng đót hợp với sức khỏe và tạo thu nhập tốt cho chị em. Không phải chăm sóc nhiều, chủ yếu là đừng để con trâu, con bò ăn và lũ chuột rừng gặm rễ cây đót. Mà việc này chị em làm tốt. Trồng keo không có ăn mà vất vả lắm. Khi đi bảo vệ đót, mình có thể bẫy chuột kiến thức ăn cho gia đình và phát hiện vi phạm rừng chung quanh để báo cho xã”. Chị Sen là một trường hợp đặc biệt của nhóm. Chị chưa xây dựng gia đình và đang chăm sóc người em gái bị bệnh tật, không thể tự tìm kế sinh nhai. Tuy vậy, chị Sen đã trồng được gần 2.000 cây đót phía trên vườn chị Xiên.
Cầm trên tay con chuột rừng vừa mắc bẫy, chị Hồ Thị Xiên cho biết: ngày nào chị cũng vào rừng đót để bảo vệ và lấy thức ăn. Mỗi hôm có thể có từ 2-3 con chuột làm thức ăn cho gia đình. Nhà chị nghèo, chồng mất sớm, tay nuôi 4 con ăn học nên khó khăn. Giờ có cây đót là có tiền, là mừng rồi”.
Để đến được khu rừng đót của chị Xiên, đoàn chúng tôi phải lội qua 2 con suối lớn, nước ngang đầu gối và 1 con khe nhỏ. Ở giữa rừng đót, chị Xiên chia sẻ: “mình chừa lại một khoảng  như vầy để chị em có chỗ đứng và tập trung đót”. Về sự ảnh hưởng lan rộng của dự án, chị Xiên cho biết: “khi thấy các em trồng được đót, 2 hộ khác là Hồ Thị Nguyên và hộ Nguyễn Thanh Trọng cũng đã tìm đót về trồng thay cho keo. Mỗi hộ cũng đã tự bỏ vốn trồng trên 1.000 cây đót. Đót của họ cũng tốt”. Trên đường trở ra bản, chị Xiên chỉ cho tôi vùng trồng đót của của chị Nguyên và anh Trọng.
 
 
Giữa rừng đót tốt tươi, chúng tôi chụp ảnh kỷ niệm với các chị và trao đổi về tương lai của cây đót cũng như mong muốn của các thành viên.  Chị Hồng - trưởng nhóm và chị Con cho biết: cây đót sẽ là cứu cánh cho kinh tế của các thành viên, và họ muốn chị em ở các bản khác cũng có được cơ hội như mình.
Về kế hoạch còn lại của dự án, chị Hồng đại diện cho cả nhóm chia sẻ: “chị em Khe Cát đã được CIRUM và dự án anh Tài (chị không nhớ tên RDPR) hỗ trợ, nên tự làm được rồi. Đót tốt rồi, nửa tháng nữa mời các anh vô tổng kết, khi đó bà con đã có thu nhập. Mình muốn hỗ trợ chị em khác cũng làm được. Hiện nay đã có người bắt chước làm, và sẽ nhập vào nhóm phát triển đót. Hồng sẽ làm trung tâm thu mua đót của bà con để có giá thống nhất và không bị người ngoài o ép. Dự án hiện còn tiền cho phát triển tổ hợp tác và tiền nhân rộng mô hình. Vì thành lập tổ hợp tác bây giờ còn sớm, chị em cần biết nhiều việc mới thành tổ hợp tác được. Còn tài chính thì đề xuất mở rộng sang bản Ploang, là bản khó khăn nằm sâu trong rừng. Nếu Dự án CIRUM đồng ý thì sẽ hỗ trợ trực tiếp cho 20 chị em trong đó làm đót. Chị em tôi và bên xã sẽ hướng dẫn làm. Được thế này chúng tôi biết ơn Dự án CIRUM lắm, cả dự án anh Tài và các cán bộ xã nữa”. Thật là cảm động, khi chị em luôn nhường cơm sẻ áo, đùm bọc lấy nhau, và không quên những ai đã giúp mình.
 

Tại cuộc họp, anh Nguyễn Văn Tráng, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc xã bày tỏ sự biết ơn trước sự hỗ trợ của CIRUM, RDPR và của chị Con. Anh tiếp nhận sự chia sẻ của chị Hồng và nhắc lại “dự định ban đầu của dự án là giúp bản Ploang, nhưng do khó khăn nên xã muốn Khe Cát làm thí điểm để nhân rộng ảnh hưởng. Chị em Khe Cát mong muốn chia sẻ với chị em Ploang, thì cũng giống như mong muốn của chị Giám đốc CIRUM khi đến Trường Sơn. Xã đề nghị Trung tâm CIRUM và RDPR tiếp tục hỗ trợ thêm, và xã sẽ chủ động thu xếp chi phí cho cán bộ tham gia, để giúp các chị em Ploang cũng có cơ hội như chị em Khe Cát”.
Đoàn công tác tới Trường Sơn và thực sự thấy được thành công của dự án thông qua việc phát triển của rừng đót và những mong muốn, chia sẻ của chị em cũng như lãnh đạo địa phương. Hy vọng trong thời gian tới sẽ có thêm những rừng đót ở Ploang và các bản khác bằng chính sự tham gia và vai trò tiên phong của phụ nữ Khe Cát.

Tác giả bài viết: BBT-RDPR

Nguồn tin: cirum.org