Hội thảo tổng kết dự án “ Tăng cường hiệu quả tiếp cận chính sách nông nghiệp, lâm nghiệp cho đồng bào nghèo dân tộc Vân Kiều”

Nhằm đánh giá kết quả của dự án “Tăng cường hiệu quả tiếp cận chính sách nông nghiệp, lâm nghiệp cho đồng bào nghèo dân tộc Vân Kiều”, đồng thời chia sẻ các bài học kinh nghiệm trong quá trình thực hiện dự án, ngày 29 tháng 6 năm 2012 Quỹ Phát triển Nông thôn và Giảm nghèo (RDPR) huyện Quảng Ninh đã tổ chức Hội thảo tổng kết 3 năm dự án giai đoạn 7/2009-6/2012 tại Hội trường UBND huyện Quảng Ninh.
             Cuộc hội thảo tổng kết có sự tham gia của hơn 50 đại biểu đại diện lãnh đạo từ Sở Ngoại vụ, Sở Kế hoạch đầu tư, Sở Nông nghiệp-Phát triển nông thôn và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Quảng Bình; Đại diện chính quyền huyện Quảng Ninh gồm ông Trần Hải Châu, tỉnh ủy viên -Bí thư huyện ủy, ông Nguyễn Viết ánh chủ tịch UBND huyện, các phó chủ tịch UBND huyện, HĐND huyện và đại diện lãnh đạo các phòng ban trong huyện;  đại diện lãnh đạo và người dân hưởng lợi dự án của 2 xã miền núi Trường Sơn và Trường Xuân; cùng Giám đốc và tập thể cán bộ của RDPR.
             Dự án “ Tăng cường hiệu quả tiếp cận chính sách nông nghiệp, lâm nghiệp cho đồng bào nghèo dân tộc Vân Kiều” được Quỹ Phát triển Nông thôn và Giảm nghèo huyện Quảng Ninh thực hiện từ tháng 7 năm 2009 đến tháng 6 năm 2012 với sự tài trợ của tổ chức ICCO Hà Lan. Mục tiêu của dự án là: 1) Tăng cường khả năng tiếp cận chính sách nông nghiệp và lâm nghiệp của Nhà nước cho cộng đồng dân tộc thiểu số; 2) Tăng cường cơ hội phản ánh và đề xuất nguyện vọng của cộng đồng dân tộc về chính sách nông lâm nghiệp tới cơ quan thực thi chính sách.
           Ông Phạm Mậu Tài-  giám đốc RDPR đã thay mặt Ban quản lý dự án báo cáo kết quả thực hiện dự án giai đoạn 3 năm. Trong quá trình thực hiện dự án, đã có 4490 người, trong đó người dân tộc Vân Kiều chiếm đến 88,5 % được truyền thông về Pháp lệnh dân chủ cơ sở, Quyết định 32 về vay vốn ưu đãi, Quyết định 167 về làm nhà ở, Quyết định 146 về giao đất cho hộ dân tộc, các luật về bình đẳng giới ... Hoạt động truyền thông đã thay đổi được nhận thức và hiểu biết trong cộng đồng, bà con được nắm bắt các chính sách và pháp luật của Nhà nước, đồng thời được hưởng lợi đầy đủ do các chính sách và pháp luật đó mang lại. Qua 3 năm thực hiện dự án, nhiều hộ gia đình đã được vay vốn qua các kênh vay vốn , tiêu biểu có 1311 lượt hộ gia đình được vay qua Hội phụ nữ xã Trường Xuân. Nhận thức của bà con dân tộc cũng được nâng cao thông qua các cuộc tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi và trồng trọt, cùng các cuộc tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ cơ sở về các kỹ năng quản lý nhóm, truyền thông, đối thoại…Trong 3 năm thực hiện dự án, đã có 19 cuộc tập huấn về kỹ thuật, 43 cuộc tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ cơ sở, tổng số người được tham gia tất cả các cuộc tập huấn này là 1054 lượt người, trong đó chiếm đến 55% là người dân tộc và 46% nữ. Dự án cũng đã tạo nên nhiều cơ hội để trao đổi thông tin chính sách và nguyện vọng của người dân với chính quyền địa phương, cụ thể trong 3 năm đã có 24 cuộc tham quan và hội thảo, 22 cuộc đối thoại giữa người dân và chính quyền huyện xã và tham gia vào 8 diễn đàn mạng lưới của nông dân nòng cốt tới cơ quan thực thi chính sách.
           Một trong những thành công của dự án đã góp phần cải thiện sinh kế cho người dân 2 xã miền núi Trường Xuân và Trường Sơn. Dự án đã thực hiện các mô hình về chăn nuôi cũng như trồng trọt trên 27 thôn bản của 2 xã; về trồng trọt có mô hình  lúa nước, cỏ VA 06, hồ tiêu, tre lấy măng và canh tác trên đất dốc như mô hình trồng nghệ, chuối, sắn dây với số hộ mô hình là 115 hộ; về chăn nuôi có mô hình lợn thịt, lợn bản địa, lợn nái, ong, gà, giun với số hộ mô hình là 41 hộ. Đối tượng hưởng lợi chủ yếu của hoạt động cải thiên sinh kế là các hộ nghèo (chiếm 82%) và hộ dân tộc Vân Kiều (chiếm 80%). Dự án hỗ trợ cho bà con cây con giống, hướng dẫn kỹ thuật, hỗ trợ thức ăn và phân bón cũng như tiêm thuốc, phun thuốc phòng ngừa bệnh. Các mô hình tại các thôn bản tuy quy mô chưa lớn nhưng đã góp phần quan trọng cải thiện được thu nhập của bà con. Thu nhập từ hộ mô hình nuôi lợn thịt một lứa nuôi thu được 6 triệu đồng/hộ, mô hình lợn nái cho thu nhập 9 triệu đồng/lứa/hộ, mô hình nghệ 5,3 triệu đồng/hộ. Hiện tại trong các thôn bản các mô hình này cũng đã được nhân rộng, như mô hình cỏ VA 06 cho năng suất cao 2,8tấn/sào và được nhân rộng trên 8 thôn bản. Dự án cũng đã hỗ trợ đào tạo nghề và cho vay vốn thành lập được một nhóm sản xuất chổi đót và tạo việc làm cho các chị phụ nữ trong thời gian nhàn rỗi và cải thiện thu nhập gia đình. Nhóm sản xuất chổi đót gồm 10 chị, trong đó có 7 chị là phụ nữ Vân Kiều. Sau 3 tháng thành lập đã sản xuất được 1.000 chổi, thu lãi được 5,5 triệu đồng.
           Tại hội thảo tổng kết có 11 báo cáo được trình bày bởi các đại diện các đối tác của dự án như UBMT huyện và Trạm Khuyến nông huyện Quảng Ninh, Ban phát triển xã Trường Xuân và xã Trường Sơn, nhóm nông dân nòng cốt và đại diện người hưởng lợi. Các báo cáo đã chia sẻ những kết quả hợp tác và các bài học kinh nghiệm nhằm làm rõ hơn những kết quả của dự án. Tại hội thảo đại diện cơ quan tư vấn độc lập cho dự án, ông Đặng Ngọc Quang đã trình bày kết quả đánh giá dự án trong 3 năm. Báo cáo đánh giá cho thấy dự án đã giúp cho người dân hiểu và hưởng được nhiều chính sách như chính sách đất rừng, chính sách vay vốn ưu đãi, chính sách 135... Đồng thời dự án đã tạo được nhiều kênh thuận lợi để người dân phản ánh nguyện vọng tới cơ quan thực thi chính sách. Báo cáo đánh giá cũng đã phản ánh một số hạn chế của dự án và đưa ra những khuyến nghị cần được cải thiện trong thời gian tới cho ban quản lí dự án.
           Theo kết quả đánh giá tại hội thảo, dự án đã hoàn thành được các hoạt động theo kế hoạch. Tổng số người được hưởng lợi là 12003 người (67 % là nữ và 66,2% là người dân tộc) tại 18 thôn bản của 2 xã Trường Xuân và Trường Sơn. Hoạt động dự án đã góp phần tạo cơ hội cho người nghèo và người dân tộc tiếp cận được nhiều chính sách của nhà nước, có cơ hội phản ánh nguyện vọng và được chính quyền địa phương quan tâm giải quyết như mục tiêu dự án đã đặt ra. Dự án đã góp phần cải thiện được sinh kế cho người nghèo và người dân tộc Vân Kiều tại hai xã dự án. Tuy nhiên còn có một số mô hình mức độ thành công và nhân rộng chưa cao như nuôi giun và nuôi gà tập trung.
            Hội thảo cũng nhận được ý kiến phát biểu của ông Trần Hải Châu- Tỉnh ủy viên, Bí thư huyện ủy Quảng Ninh. ông đánh giá cao kết quả của dự án với việc thực hiện trên địa bàn và đối tượng hưởng lợi ở những vùng sâu vùng xa mà chính quyền huyện chưa quan tâm được nhiều. Trong dự án này, RDPR đã kế thừa được những cở sở của các dự án đã thực hiện trước đó, dự án đã tạo được mối quan hệ tốt với chính quyền, ban nghành để cùng phối hợp thực hiện dự án. Đặc biệt dự án nâng cao năng lực cho người dân tộc Vân kiều về kiến thức kĩ thuật và tham gia hoạt động xã hội tích cực, ổn định cuộc sống và góp phần vào giữ gìn an ninh biên giới. ông cũng cho biết dự tính trong thời gian tới, chính quyền huyện sẽ chỉ đạo Trạm Khuyến nông và Phòng dân tộc huyện xem xét và cân nhắc những mô hình thích hợp để tiếp tục có chính sách nhân rộng tại khu vực miền núi. ông cũng mong muốn Quỹ Phát triển Nông thôn và Giảm nghèo tiếp tục huy động các nguồn tài trợ hỗ trợ cho người dân, đặc biệt cho người nghèo dân tộc Vân Kiều tại các xã miền núi trong thời gian tới.