Vấn đề lồng ghép giới trong việc quản lý và bảo vệ rừng tại Hòa Bình

Theo chân đoàn cán bộ nghiên cứu của Dự án “Lồng ghép giới trong thực thi Luật Bảo vệ và phát triển rừng (BV&PTR) và các văn bản pháp luật liên quan”, chúng tôi đã tìm về địa bàn huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình – được biết đến là địa bàn của khu bảo tồn rừng đặc dụng Phu Canh (tên gọi đúng Pu Canh).
Trong khuôn khổ chương trình hoạt động của Liên minh đất rừng (FORLAND), Trung tâm Nghiên cứu và phát triển xã hội (CRSD) tại Huế, Quỹ Phát triển Nông thôn và giảm nghèo huyện Quảng Ninh (tỉnh Quảng Bình) đồng phối hợp nghiên cứu Dự án “Lồng ghép giới trong thực thi Luật BV&PTR và các văn bản pháp luật liên quan”. 

Dự án nhằm tìm hiểu những yếu tố thúc đẩy, cũng như cản trở bình đẳng giới; thực chất trong tiếp cận và kiểm soát của phụ nữ đối với đất rừng, rừng, lâm sản ngoài gỗ và thị trường lâm sản ngoài gỗ; từ đó, đề xuất, kiến nghị điều chỉnh và sửa đổi Luật BV&PTR, các văn bản dưới Luật liên quan một cách phù hợp.

 Một cánh rừng ở địa bàn xã Đoàn Kết, huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình


Mục đích của Dự án gồm 03 vấn đề: (1) Cung cấp thông tin hay bằng chứng cho các quyết định để các chính sách và chương trình liên quan tới giao đất, giao rừng (GĐGR), BV&PTR đạt mục tiêu mong đợi cho cả nam và nữ; (2) Cung cấp các thông tin chi tiết về người chịu tác động, người hưởng lợi hay khách hàng để việc xây dựng và thực hiện các chương trình GĐGR, BV&PTR thực hiện hiệu quả, có hiệu suất cao hơn; (3) Phát hiện các bài học hay về thực thi chính sách, chương trình GĐGR, BV&PTR có tác động tích cực trong việc thúc đẩy vị thế của phụ nữ, hoặc có tác động không mong muốn với phụ nữ để đưa ra các điều chỉnh phù hợp.

Đề cập tới nội dung liên quan tới Dự án, chuyên gia Đặng Ngọc Quang - Trung tâm Nghiên cứu phát triển xã hội cho biết: Việt Nam là một quốc gia có đạo luật tiến bộ về giới so với các nước trên thế giới và khu vực. Việt Nam cũng là một bên tham gia Công ước CEDAW về xóa bỏ các hình thức bất bình đẳng với phụ nữ. Những tiến bộ về quyền của phụ nữ với đất đai, kể cả lâm nghiệp gần đây đã được ghi nhận, cụ thể trong việc người phụ nữ được đứng tên trong Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Cũng theo chuyên gia Đặng Ngọc Quang, ở nước ta, các loại rừng mà cộng đồng có thể tiếp cận và kiểm soát là các khu vực rừng sản xuất được giao khoán cho các hộ để sản xuất hoặc chăm sóc, bảo vệ… Luật BV&PTR được ban hành năm 2004 đã bộc lộ một số hạn chế sau gần 10 năm thực thi. Một trong những điểm hạn chế là thiếu sự lồng ghép giới trong vấn đề tiếp cận, quản lý, sử dụng và phát triển rừng cho nam giới và nữ giới; vai trò của phụ nữ trong việc ra quyết định sử dụng và quản lý, phát triển rừng. Kết quả đời sống của phụ nữ, đặc biệt là nhóm phụ nữ nghèo, đơn thân gặp nhiều khó khăn do thiếu sự can thiệp, tạo điều kiện của chính sách để họ được tham gia tiếp cận các nguồn tài nguyên rừng và hưởng thụ các lợi ích từ rừng.

Để làm rõ thêm những thắc mắc về vấn đề bình đẳng giới liên quan tới công tác BV&PTR ở địa bàn xã Đoàn Kết, chúng tôi đã đến trụ sở UBND xã Đoàn Kết, gặp bà Hà Thị Hằng - Phó Chủ tịch UBND xã. 

Bà Hà Thị Hằng cho biết: Thời gian qua, công tác trồng rừng và bảo vệ rừng tự nhiên luôn được xã đặt lên hàng đầu; thường xuyên tuyên truyền cho nhân dân về công tác phát triển và bảo vệ rừng tại xã; duy trì công tác phối hợp giữa UBND xã với Ban Quản lý bảo tồn thiên nhiên Phu Canh (Pu Canh), kiểm lâm địa bàn và công an, quân sự xã. Do đó, công tác bảo vệ và phát triển rừng tại địa bàn xã khá ổn định, đặc biệt là từ năm 2013 trở lại đây. Năm 2013, hiện tượng lén lút chặt phá và làm nương rẫy đã giảm đáng kể so với trước đây. Bà con tự trồng 35 ha rừng, trồng theo dự án 44 ha rừng, chủ yếu là: Xoan, keo, lim, mỡ và sưa đỏ... Những tháng đầu 2014 này, toàn xã đang tập trung tận dụng và khai thác triệt để tiềm năng sẵn có, nhất là các diện tích hoang hóa, độ dốc thấp để trồng cây lương thực và cây công nghiệp ngắn ngày; làm tốt công tác bảo vệ rừng, quản lý chặt chẽ lâm sản; phấn đấu trồng rừng đạt chỉ tiêu, bảo vệ khoanh nuôi rừng tái sinh và rừng tự nhiên đạt kết quả ...

Tuy nhiên, bà Hà Thị Hằng cũng bày tỏ trăn trở: Hiện nay, phí chi trả dịch vụ môi trường rừng ở mức 137.000đ/ha/năm, là quá thấp so với công sức bỏ ra để chăm sóc, bảo vệ cây rừng của người dân. Điều này không  khuyến khích được người dân tích cực tham gia vào công tác BV&PTR. Hơn nữa, chị em phụ nữ hiện đang là lực lượng lao động (trồng rừng, trồng màu) chủ yếu; cũng chính chị em là người thường xuyên tham gia vào khai thác lâm sản ngoài gỗ trong rừng, nhưng các chương trình hỗ trợ dành cho phụ nữ còn ít. Do đó, việc nâng cao ý thức bảo vệ rừng cũng như lồng ghép vấn đề giới trong các chính sách BV&PTR còn nhiều điều phải bàn.

Gặp anh Nguyễn Văn Tuấn - Trạm trưởng Trạm số 1, Khu bảo tồn rừng thiên nhiên Phu Canh (Pu Canh) đóng tại địa bàn xóm Thầm Luông, xã Đoàn Kết, chúng tôi được biết: Nhiệm vụ chủ yếu của Trạm là làm công tác bảo vệ, giữ rừng, giữ vùng sinh thủy. Hiện nay, bà con nhân dân trên địa bàn đã hiểu hơn về ý nghĩa bảo vệ rừng nên cùng phối hợp khá hiệu quả với cán bộ, nhân viên của Trạm cũng như tự ý thức cao về BV&PTR. Hầu như không còn hiện tượng đốt nương làm rẫy; trái lại, giờ đây, bà con nông dân còn chủ động trồng thêm rừng với các loại cây trồng chủ yếu: Trẩu, bồ đề…, cùng tập trung canh tác các giống cây lương thực thực phẩm ngắn ngày như: Ngô, sắn… Nếu có vào rừng, chủ yếu cũng chỉ khai thác cây thuốc, lấy mật ong và một số sản phẩm từ rừng có thể dùng làm thức ăn, đồ uống, dệt vải… Nam giới bây giờ ít hoặc thậm chí không vào rừng nữa, vào rừng theo mùa chủ yếu là chị em phụ nữ. Thực trạng này cho thấy, đã có thay đổi nhất định trong phân công lao động liên quan tới rừng. Nó cũng cho thấy, cần phải có những cân nhắc, điều chỉnh lại chính sách BV&PTR liên quan tới vấn đề giới và bình đẳng giới.

Chủ tịch Hội Nông dân xã Lý Văn Hòa chia sẻ: Về cơ bản, con trai hay con gái trong gia đình giờ đều được chia của hồi môn như nhau, không có phân biệt nhiều như trước kia nữa. Tuy nhiên, nếu con gái đi lấy chồng xa, khác làng, khác xã thì sẽ không được nhận phần diện tích rừng của bố mẹ đang quản lý, bảo vệ cũng như diện tích rừng trồng của gia đình nữa. Vì đi xa chỗ mình ở rồi, có lấy đất, lấy rừng cũng không quản lý, sản xuất được nữa. 

Bí thư chi bộ dân cư xóm Thầm Luông Lý Thị Xuân cho biết: Gia đình chị sinh sống lâu đời tại đây, từ lúc còn du canh du cư ở Đồng Ruộng rồi chuyển sang định canh định cư tại Thầm Luông này. Hiện, cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, sự quan tâm của chính quyền, chị em phụ nữ có nhiều điều kiện để phát triển hơn. Họ được tập huấn, nâng cao trình độ và kiến thức. Do đó, tính chủ động của chị em trong cuộc sống được gia tăng. Tiếng nói của chị em cũng có trọng lượng hơn. Giờ, đứng tên tài sản lớn của gia đình là tên của cả vợ và chồng. Con gái hay con trai được phân chia tài sản như nhau.


 Cùng với rừng, bà con xã Tân Pheo còn tập trung canh tác lúa và ngô

Bà Lý Thị Xuân kiến nghị, để nâng cao đời sống của người dân nói chung và chị em nói riêng, cần có sự hỗ trợ về vốn, cây giống. Đặc biệt, cần tăng cường hơn nữa vai trò của phụ nữ, để họ thực sự làm chủ cuộc sống của mình.

Tâm sự trên của ông Lý Văn Hòa và chia sẻ của bà Lý Thị Xuân cũng lần nữa cho thấy, dù đã có những tiến bộ vượt bậc trong thực hiện bình đẳng giới, nhưng xem ra, việc coi trọng và đánh giá cao hơn vai trò của nam giới vẫn không phải dễ dàng thay đổi trong "ngày một, ngày hai".

Trong khi đó, theo trưởng xóm Thầm Luông Lý Xuân Dấu, ý thức của người dân trong vài năm trở lại đây đã được nâng cao hơn. Người dân không còn tư tưởng ỷ lại hoàn toàn vào rừng nữa. Họ đã ý thức hơn việc cần thiết bảo vệ rừng, không được phép khai thác tràn lan. Cả đàn ông và phụ nữ hiện nay đều tôn trọng các nội dung BV&PTR, khi cần những quyết định quan trọng đều có sự đồng thuận của cả hai bên. Thay đổi tích cực từ thực tế này cũng chính là tiền đề tốt để các nhà hoạch định chính sách cân nhắc, xem xét, có điều chỉnh phù hợp, vừa thúc đẩy công cuộc bảo vệ, gìn giữ "lá phổi xanh của nhân loại" cũng như phát triển kinh tế - xã hội, thực sự đảm bảo cho phụ nữ được bình đẳng, bình quyền.

Khi gặp những người dân tộc Dao tại bản Thầm Luông, chúng tôi nhận thấy ở họ một sự tự tin và chủ động hòa nhập, nắm bắt vấn đề. Những người dân như: Chị Tiến, chị Đức, chị Loan, cô Hà, cô Thảo, cô Lương… đã cho tôi những chia sẻ rất thật về cuộc sống của gia đình mình. Họ cho biết, rừng đã gắn bó với đời sống của họ như máu thịt, rừng là nhà, rừng là nguồn sống. Tuy nhiên, khi rừng được khoanh vùng để bảo vệ, đồng nghĩa với việc không được tự ý xâm phạm, khai thác, bản thân họ đã mất một thời gian để điều chỉnh. “Giờ đây, nam giới trai tráng hầu như rất ít vào rừng. Những việc nặng nhọc, khai thác gỗ, xẻ gỗ giờ không được phép nữa. Chỉ còn chị em phụ nữ vào rừng thôi. Chị em vào rừng chủ yếu làm những việc tỉ mỉ, cẩn thận, tốn ít sức” – cô Lương cho hay. Diễn biến thực tiễn cuộc sống đã hạn chế hơn vai trò của nam giới trong rừng mà lại nâng cao vai trò của nữ giới. Vấn đề đặt ra hiện nay là cân bằng giới để phát huy hiệu quả công tác BV&PTR.

Đến với bản Thùng Lùng, xã Tân Pheo (huyện Đà Bắc), gặp gỡ những người dân tộc Tày nơi đây, những người dân như: Chú Bằng, chú Toàn, chú Nghị, anh Thành, anh Pháp... - những người đàn ông trụ cột trong gia đình, chúng tôi cảm nhận một không khí rất cởi mở và thân thiện. Họ cho chúng tôi hay, nói rừng là nguồn sống của người dân nơi đây là không hề sai chút nào, bởi nhà và rừng ở đây gần như xen kẽ trong nhau. 

Ông Đinh Văn Nhất - Phó Chủ tịch UBND xã Tân Pheo trao đổi với chúng tôi: Diện tích rừng trên địa bàn lớn, nhưng chủ yếu thuộc khu bảo tồn, cấm khai thác, chặt phá, trong khi nguồn thu nhập chính của người dân nơi đây là từ rừng và nông nghiệp, do đó, đời sống vẫn còn nhiều khó khăn. Do không được khai thác gỗ nữa, nên giờ đây, vào rừng chủ yếu là chị em. Họ vào rừng lấy măng, lấy nứa, nhưng cũng có quy định theo mùa, chứ không được phép lấy ồ ạt. 

Cũng theo Phó Chủ tịch Đinh Văn Nhất, nói đến công tác BV&PTR cũng như các chính sách về giới liên quan tới nội dung công tác này, cần cả một quá trình và cần thiết phải có điều chỉnh trên cơ sở phát sinh từ thực tiễn. Tất nhiên, cũng cần xem xét tới tính khả thi của các quy định nếu có điều chỉnh để việc thực thi trong thực tiễn phát huy hiệu quả.

Có thể thấy, việc vươn tới bình đẳng giới đòi hỏi những nỗ lực để cả người lớn, thanh niên và trẻ em nam cũng như nữ có cơ hội tiếp cận với các điều kiện và các dịch vụ giúp họ có một mức sống tốt nhất. Ở Việt Nam, không riêng gì trong lĩnh vực BV&PTR, mà hầu hết trong các chính sách và chương trình phát triển, văn bản pháp luật đều được xây dựng trên nguyên tắc trung tính về giới với hàm ý đảm bảo nam và nữ được đối xử như nhau, có cơ hội như nhau và được cung cấp dịch vụ như nhau trong những hoàn cảnh như nhau. Tuy nhiên, nhiều khi, sự khác biệt giới tính làm nguyên tắc trung tính về giới không đảm bảo các ứng xử với nam và nữ là công bằng và hợp thức thỏa đáng. Do đó, cần thiết phải xem xét, nghiên cứu về cuộc sống của nam và nữ trong các gia đình sống phụ thuộc vào rừng có những khác biệt nào và sự tác động của chính sách cũng như chương trình BV&PTR với những khác biệt đó./.

Nguồn tin: Báo ĐT Đảng Cộng sản