Tọa đàm củng cố hoạt động mạng lưới Nông dân nòng cốt

Trong tháng 3/2014, với sự hỗ trợ của Quỹ Phát triển Nông thôn và Giảm nghèo huyện Quảng Ninh (RDPR), Mạng lưới Nông dân nòng cốt (NDNC) của 2 xã Trường Xuân và Trường Sơn đã tổ chức 2 cuộc tọa đàm tổng kết quý I/2014 nhằm đánh giá lại hoạt động của các nhóm. Hiện tại, mạng lưới NDNC xã Trường Xuân gồm có 7 nhóm với 42 thành viên; mạng lưới NDNC xã Trường Sơn có 10 nhóm với tổng 52 thành viên. Tham gia 2 cuộc tọa đàm này có trưởng và phó mạng lưới cùng đại diện của các nhóm NDNC cùng với các cán bộ của RDPR.
Tại 2 cuộc họp, các nhóm NDNC đã chia sẻ những kết quả đạt được của nhóm, những khó khăn gặp phải trong quá trình hoạt động, cũng như xác định các vấn đề đang tồn tại trong cộng đồng cần vai trò của nhóm để giải quyết. Các nhóm cũng chia sẻ kinh nghiệm, kỹ năng  về truyền thông và phản ánh/đề xuất.  
 
Nhóm NDNC tại Trường Xuân chia sẻ kinh nghiệm truyền thông

Với vai trò sứ mệnh của mình, từ khi thành lập cho đến nay, các nhóm NDNC đã hoạt động tích cực trong việc tiếp thu các chính sách, pháp luật của Nhà nước để truyền thông đến cộng đồng như chính sách hỗ trợ hộ nghèo, vay vốn, làm nhà ở, và các chính sách khác như giao đất giao rừng, an toàn giao thông, phòng cháy chữa cháy, bình đẳng giới, bảo vệ môi trường,v.v. Vì vậy, đã giúp cộng đồng hiểu và thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình, đồng thời hưởng lợi từ các chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Như tại bản Hang Chuồn với sự hỗ trợ của nhóm NDNC đã có 7 hộ được hỗ trợ vay vốn không lãi, 22/36 hộ được giao đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, v..v

Hầu hết các nhóm NDNC đều chia sẻ khó khăn chung  gặp phải trong quá trình hoạt động, đó là nhận thức của người dân, đặc biệt là người dân tộc Vân Kiều còn nhiều hạn chế; các nhóm còn thiếu phương tiện truyền thông và kinh phí hoạt động. Hơn nữa, một số thành viên còn hạn chế về các kỹ năng như kỹ năng truyền thông tuyên truyền, kỹ năng phản ánh/đề xuất.
 
Mạng lưới và các nhóm NDNC xã Trường Xuân đã xác định các vấn đề chính cần quan tâm giải quyết giúp cộng đồng trong thời gian tới đó là vấn đề thiếu sổ đỏ và giao đất giao rừng, nâng cao ý thức chấp hành luật pháp và các chính sách của người dân.
Đối với mạng lưới và các nhóm NDNC xã Trường Sơn, các vấn đề tồn tại tại cộng đồng mà các nhóm xác định ưu tiên hỗ trợ cộng đồng trong thời gian tới đó là vấn đề thiếu đất sản xuất, thiếu sổ đỏ; nâng cao nhận thức của người dân về chính sách và pháp luật, giải quyết vấn đề thiếu giống, thiếu kỹ thuật, và tăng cường quản lý và bảo vệ rừng.

Trong 2 cuộc tọa đàm tập huấn này, các nhóm còn chia sẻ các kinh nghiệm rất thực tế về truyền thông, đặc biệt là kinh nghiệm truyền thông cho đối tượng người dân tộc Vân Kiều. Từ kinh nghiệm hoạt động truyền thông thực tế, các nhóm chia sẻ một trong những yếu tố cơ bản của truyền thông đến cộng đồng dân tộc thiểu số đó là truyền thông nhiều lần, và thông qua lồng ghép nhiều kênh, nhiều hình thức như trong các cuộc họp, truyền thanh thôn bản, truyền thông trực tiếp, băng rôn, áp phích, tờ rơi; và một số kinh nghiệm hay khác như cần chuẩn bị tốt truyền thông, nội dung truyền thông liên quan thiết thực đến đời sống của cộng đồng.
Trong phản ánh/đề xuất nguyện vọng của cộng đồng đến các cấp chính quyền, các thành viên chia sẻ kinh nghiệm cần thu thập thông tin đúng, đủ và thuyết phục; chuẩn bị tốt cho các cuộc đối thoại; khuyến khích người dân phát biểu về các vấn đề của cộng đồng mình để tăng tính thuyết phục; yêu cầu có sự cam kết và thời hạn giải quyết.v.v
Trong thời gian tới, với những vấn đề đã được xác định, mạng lưới và các nhóm NDNC xã Trường Xuân và Trường Sơn với sự hỗ trợ của RDPR sẽ tiếp tục vai trò của mình trong việc hỗ trợ thúc đẩy giải quyết các vấn đề thiết thực cho cộng đồng, đồng thời tích cực tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật để người dân chấp hành và hưởng lợi hiệu quả từ các chính sách, pháp luật Nhà nước. 

Tác giả bài viết: BT-RDPR