Hiệu quả mô hình canh tác trên đất dốc ở Vân Kiều

Năm 2011, Quỹ phát triển nông thôn và giảm nghèo huyện Quảng Ninh tiếp tục hỗ trợ 29 hộ gia đình chủ yếu là người đồng bào dân tộc Vân Kiều ở các bản Khe Ngang, Hang Chuồn, Trường Nam và Lâm Ninh xây dựng mô hình trồng chuối lùn, sắn dây và trồng nghệ trên đất dốc.
            Đây là mô hình khá mới mẻ và phù hợp với thực tế, điều kiện đất đai thổ nhưỡng của địa phương, góp phần tận dụng được quỹ đất đồi dốc, kém màu mỡ để đầu tư phát triển một số loại cây trồng, vừa cải tạo đất, vừa góp phần tạo ra sản phẩm hàng hóa và nâng cao thu nhập cho bà con.
           Mô hình trồng nghệ, với quy mô 1.600m2 được thực hiện tại 7 hộ ở các bản Khe Ngang, Hang Chuồn và Trường Nam, số lượng nghệ giống là 210 kg. Khi thu hoạch, tỷ lệ sống của nghệ đạt 100%. Sản lượng đạt gần 2.500 kg nghệ củ, trị giá 37,7 triệu đồng, bình quân mỗi hộ có thu nhập 5,3 triệu đồng, trừ các khoản chi phí thu lãi 4 triệu đồng.
           Mô hình trồng 320 gốc chuối lùn được triển khai tại 13 hộ ở bản Lâm Ninh. Kết quả mô hình, bình quân mỗi hộ có thu nhập khoảng 600.000 đồng. Đặc biệt gia đình ông Hồ Hơn, có thu nhập trên 2 triệu đồng. ông Hơn cho biết, trồng chuối lùn rất dễ, cán bộ kỹ thuật chỉ hướng dẫn một lần là hiểu, sản phẩm chuối quả cũng dễ tiêu thụ. Đến kỳ thu hoạch các thương lái đến thu mua tận vườn, với giá bình quân từ 30.000 - 50.000 đồng/buồng. Thấy trồng chuối có lãi, gia đình ông tự đầu tư mở rộng thêm diện tích trồng chuối, bằng cách nhân giống ngay tại vườn nhà mình. Nhiều hộ gia đình khác cũng học tập gia đình ông và tham gia trồng chuối lùn trong vườn. Đến nay hầu hết các hộ gia đình trong bản đã biết trồng và làm giống để cung cấp cho nhân dân trong vùng.
          Các bản Hang Chuồn, Trường Nam chủ yếu là vùng đất đồi núi đá vôi kém màu mỡ. Quỹ phát triển nông thôn và giảm nghèo đã hỗ trợ 9 hộ thực hình trồng 90 gốc sắn dây. Kết quả, bình quân mỗi hộ thu được từ 50-70 kg củ (tương đương 5-15 kg tinh bột), thu nhập từ 750.000 - 1,8 triệu đồng/hộ. Thực tế cho thấy, các hộ trồng sắn sây theo phương pháp trồng nổi (tức là đắp mỗi ụ đất cao khoảng 50 cm để trồng) thì có năng suất thu hoạch cao hơn.
          Ông Phạm Mậu Tài - Giám đốc Quỹ phát triển nông thôn và giảm nghèo huyện Quảng Ninh cho biết: Trong quá trình thực hiện, các hộ gia đình được hỗ trợ cây giống, phân bón và tập huấn hướng dẫn kỹ thuật sản xuất. Sau 1 năm thực hiện, các hộ áp dụng đúng quy trình kỹ thuật và tích cực chăm bón nên các mô hình đều phát triển khá tốt.
           Theo đánh giá, các mô hình đều thực hiện đúng kế hoạch và đạt được những thành công đáng ghi nhận, góp phần nâng cao đời sống cho bà con đồng bào dân tộc Vân Kiều.
ông Phạm Văn Quang - Phó chủ tịch UBND xã Trường Xuân cho biết: Những năm qua, cùng với các chương trình dự án, Quỹ phát triển nông thôn và giảm nghèo huyện Quảng Ninh đã xây dự khá nhiều mô hình khuyến nông trên địa bàn xã giúp bà con nông dân, nhất là người Vân Kiều phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Mô hình trồng sắn dây, chuối và nghệ trên đất dốc là rất phù hợp với điều kiện của xã miền núi như Trường Xuân và bước đầu đã đưa lại hiệu quả rõ rệt, tuy thu nhập không lớn lắm nhưng rất thiết thực và được bà con đồng bào tích cực hưởng ứng. Trong thời gian tới, UBND xã Trường Xuân tiếp tục chỉ đạo, tuyên truyền vận động các hộ gia đình nhân rộng những mô hình này nhằm tận dụng nguồn quỹ đất hoang hóa bạc màu để sản xuất, góp phần tạo công ăn việc làm nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống của đồng bào địa phương.
 
 
 

Tác giả bài viết: Theo Đài TT-TH Quảng Ninh