Hội thảo tổng kết mô hình chăn nuôi lợn sinh sản cho người dân tộc Vân Kiều xã Trường Xuân

Năm 2011 Quỹ phát triển nông thôn và giảm nghèo huyện Quảng Ninh phối hợp với trạm khuyến nông huyện Quảng Ninh triển khai mô hình chăn nuôi lợn sinh sản tại bản Khe Ngang, Khe Dây và bản Lâm Ninh xã Trường Xuân. Sau 11 tháng thực hiện, mô hình đã thu được kết quả khả quan. Nhằm đánh giá và rút ra bài học kinh nghiệm từ mô hình và khuyến cáo cho cộng đồng nhân rộng, vào ngày 12 tháng 4 năm 2012 Trạm khuyến nông huyện Quảng Ninh là đơn vị tư vấn thực hiện mô hình phối hợp với Ban phát triển xã Trường Xuân đã tổ chức hội thảo đánh giá tổng kết mô hình này.
          Đến tham dự hội thảo gồm sự có mặt của đại diện lãnh đạo Phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Quảng Ninh, Trạm khuyến nông huyện Quảng Ninh, đại diện RDPR, đại diện ban phát triển xã Trường Xuân, trưởng bản Khe Ngang, Khe Dây, Lâm Ninh, 6 hộ mô hình là người dân tộc Vân Kiều và nhiều người dân tại các bản dự án.
Qua thời gian tổ chức thực hịên mô hình với các hoạt động hỗ trợ của dự án như tập huấn kỹ thuật chăn nuôi lợn sinh sản , hỗ trợ con giống và thức ăn, tư vấn kĩ thuật tại hộ gia đình với hình thức cầm tay chỉ việc theo từng giai đoạn phát triển của lợn,  từ lợn hậu bị đến khi đẻ và nuôi con. Tính đến nay đã có 4 hộ mô hình lợn nái đã sinh sản. Bình quân mỗi lợn nái đẻ được 8 lợn con. Mô hình hộ ông Hồ Văn Nam là hộ đầu tiên có 10 lợn con đã bán giống cho người dân tại bản Lâm Ninh cho thu nhập 15 triệu đồng và chuẩn bị thả đực cho lứa tiếp theo.
            Tại hội thảo,  các hộ đã chia sẻ kĩ thuật, kinh nghiệm trong chăn nuôi lợn sinh sản và rút ra những bài học kinh nghiệm khắc phục những khó khăn hạn chế trong quá trình thực hiện mô hình tại thôn bản.
           Hội thảo đã đánh giá cao hiệu quả của mô hình chăn nuôi lợn nái cho bà con dân tộc Vân Kiều. Mô hình dự án trực tiếp giúp cho các hộ mô hình nghèo là người dân tộc Vân Kiều có thêm nguồn thu nhập nhằm cải thiện cuộc sống cho gia đình. Đặc biệt mô hình đã có tác động đến nhận thức về phương thức chăn nuôi mới có áp dụng kĩ thuật và cung cấp nguồn giống đảm bảo tại chỗ cho người dân tộc  tại các bản ở vùng sâu vùng xa của xã miền núi Trường Xuân.
Với những thành công của dự án, lãnh đạo xã Trường Xuân đã có ý kiến chỉ đạo khuyến nông xã, hội phụ nữ, nông dân xã phổ biến tuyên truyền và có chính sách hỗ trợ phát triển nhân rộng mô hình trong các bản ở xa trong thời gian tới.
 

Tác giả bài viết: Theo BBT- RDPR