Tập huấn Kiến thức và Kỹ năng bảo vệ rừng cho Thanh niên và Phụ nữ

.

.

Trong hai ngày 21 và 22/11/2016, Quỹ Phát triển nông thôn và Giảm nghèo huyện Quảng Ninh đã tổ chức khóa tập huấn Kiến thức và Kỹ năng bảo vệ rừng cho Thanh niên và Phụ nữ xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình.
Truyền thông bảo vệ rừng thông qua hình ảnh là một cách làm hiệu quả nhằm huy động cộng đồng tham gia quản lý, bảo vệ và sử dụng tài nguyên rừng. Ngày nay khi các phương tiện truyền thông đang ngày càng phát triển, việc áp dụng các thiết bị kỹ thuật số như máy ảnh, máy quay phim, điện thoại thông minh, máy tính bảng…hỗ trợ cho công tác truyền tải thông tin, nội dung thông điệp truyền thông đóng vai trò hết sức quan trọng. Trong khuôn khổ chương trình nâng cao năng lực cộng đồng do Quỹ Phát triển nông thôn và Giảm nghèo huyện Quảng Ninh (RDPR) phối hợp với Trung tâm Tư vấn Quản lý bền vững Tài nguyên và Phát triển văn hóa cộng đồng Đông Nam Á (CIRUM) và Tổ chức CARE Quốc tế tại Việt Nam tổ chức khóa tập huấn Kiến thức và Kỹ năng bảo vệ rừng cho Thanh niên và Phụ nữ tại xã Trường Sơn.
 
Mục tiêu khóa tập huấn nhằm giúp cho học viên là phụ nữ và thanh niên được tiếp cận và sử dụng thành thạo các thiết bị quay phim, chụp ảnh để áp dụng vào việc xây dựng các sản phẩm truyền thông như tranh ảnh, phim tư liệu nhằm huy động cộng đồng tham gia tích cực trong bảo vệ rừng tại địa phương và vận động chính sách. Khóa tập huấn với sự tham gia của 20 học viên là thành viên của Đoàn thanh niên và Hội Phụ nữ tại các thôn bản của xã Trường Sơn huyện Quảng Ninh. Tất cả các học viên đều là những người trẻ có độ tuổi từ 18 đến 30 tuổi, trong đó có 10 phụ nữ chiếm 50% và 14 người dân tộc Vân Kiều chiếm 70% số học viên.

Toàn cảnh
                                                      Toàn cảnh khóa tập huấn

Thông qua tập huấn, học viên đã được học các kỹ thuật trong chụp ảnh và quay phim bằng thiết bị máy ảnh, máy tính bảng. Cũng trong khóa tập huấn này, các học viên đã chia nhóm thực hành áp dụng kiến thức được học và xây dựng được 2 kịch bản và tạo được 2 quay phim ngắn về chủ đề bảo vệ rừng và quản lý, sử dụng đất rừng tại địa phương.
 
thực hành
                                                          Thực hành ngoại khóa

Sản phẩm do các học viên tạo ra trong khóa tập là 2 đoạn phim thực hành về các chủ đề truyền thông bảo vệ rừng và quản lý sử dụng đất rừng được nhóm giảng viên và mọi người đánh giá cao, điều này cho thấy các học viên nắm chắc kiến thức được truyền tải, có kỹ năng tốt để xây dựng được một kịch bản tốt, sử dụng thành thạo thiết bị máy tính bảng để thực hiện các cảnh quay, sắp xếp và biên tập các cảnh quay, âm thanh, phụ đề bằng phần mềm trên máy tính để tạo thành phim tư liệu nhằm mục đích truyền thông nâng cao nhận thức cho cộng đồng về bảo vệ rừng và đất rừng trong thời gian tới.
 
Tổng kết khóa học, ông Phạm Mậu Tài – giám đốc RDPR nhấn mạnh rằng “lực lượng thanh niên và phụ nữ là những người trẻ, năng động, nhiệt tình và có khả năng tiếp cận được với các thiết bị công nghệ, chính vì vậy trang bị cho họ những kiến thức và kỹ năng về truyền thông kết hợp với hướng dẫn sử dụng các thiết bị công nghệ sẽ giúp nâng cao chất lượng công tác truyền thông ở tại địa phương và  góp phần quan trọng trong việc huy động cộng đồng tham gia vào công tác bảo vệ rừng và đất rừng hiệu quả”.
 
Sau khi kết thúc khóa học, các học viên được dự án cho mượn một số máy tính bảng Ipad để tiếp tục thực hành các kỹ năng đã được học và sử dụng để xây dựng các đoạn phim tư liệu phục vụ cho công tác truyền thông bảo vệ rừng tại địa phương. Dự kiến trong thời gian tới, RDPR cùng với CIRUM và một số tổ chức trong mạng lưới đất rừng tổ chức các cuộc thi phim ảnh về chủ đề bảo vệ rừng. Đây cũng là cơ hội để cho các học viên thực hành, thể hiện năng lực và tham gia giao lưu học hỏi với người dân từ các địa phương khác.
 
Chuyến khảo sát tại bản Ploang của đoàn công tác tổ chức CARE Việt Nam
Cũng trong hai ngày 21 và 22/11/2016, RDPR đã tổ chức chuyến khảo sát của Tổ chức CARE Việt Nam tìm kiếm cơ hội mở rộng vùng dự án tại tỉnh Quảng Bình. Đoàn công tác gồm 4 cán bộ của tổ chức CARE, 2 cán bộ của tổ chức CIRUM và 2 chuyên gia người nước ngoài. Đoàn đã có chuyến thực địa và gặp gỡ bà con bản Ploang, một trong những bản khó khăn nhất của xã Trường Sơn, với 100% là hộ nghèo người dân tộc Vân Kiều. Tại đây đoàn đã thấy được thực trạng đời sống của người dân, nắm bắt được những khó khăn, thách thức mà bà con dân bản đang gặp phải, đồng thời đã cùng với người dân thảo luận các chủ đề về phát triển các mô hình sinh kế dựa vào rừng, kết hợp quản lý bền vững nguồn tài nguyên thiên nhiên, tăng thu nhập và nâng quyền cho phụ nữ. Cũng trong dịp này, đoàn cũng đã có những khảo sát ban đầu về cơ sở hạ tầng tại bản, trong đó chú trọng đến việc hỗ trợ xây dựng hệ thống dẫn nước sạch cho bản Ploang.

điền dã
                                     Khảo sát thực tế của tổ chức CARE 

Thông qua chuyến khảo sát này, đoàn công tác của Tổ chức CARE đã có những định hướng trong việc mở rộng vùng dự án, hỗ trợ cho bà con bản Ploang nói riêng và xã Trường Sơn nói chung nhằm góp phần giúp cho người dân, đặc biệt là người dân tộc Vân kiều cải thiện đời sống, phát triển kinh tế và quản lý, bảo vệ, sử dụng tốt nguồn tài nguyên rừng và đất rừng.

Tác giả bài viết: BBT-RDPR