Banner tiếng Việt
Vietnamese English

Kỉ niệm 19 năm ngày thành lập Quỹ Phát triển Nông thôn và Giảm nghèo huyện Quảng Ninh (RDPR)

Đăng lúc: Chủ nhật - 03/07/2022 06:15 - Người đăng bài viết: admin
Kỷ niệm 19 năm thành lập RDPR

Kỷ niệm 19 năm thành lập RDPR

Hôm nay ngày 3 tháng 7 năm 2022, kỷ niệm ngày thành lập Quỹ Phát triển Nông thôn và Giảm nghèo huyện Quảng Ninh. Nhìn lại 19 năm hình thành và phát triển đóng góp cho mục tiêu giảm nghèo và bình đẳng, đặc biệt với người nghèo dân tộc thiểu số, phụ nữ, trẻ em và các nhóm yếu thế tại Quảng Bình, RDPR đã thực hiện qua nhiều chương trình dự án và đạt được nhiều kết quả đáng kể về lĩnh vực khuyến nông, khuyến lâm, quản lý tài nguyên thiên nhiên, tài chính vi mô và thúc đẩy cộng đồng tiếp cận chính sách pháp luật về đất đai, bình đẳng giới, bảo vệ môi trường.
Quỹ Phát triển nông thôn và giảm nghèo huyện Quảng Ninh được thành lập theo Văn bản ủy quyền số 1562/UB ngày 31/12/2002 của UBND tỉnh Quảng Bình và Quyết định số 182/QĐ-UB ngày 03/07/2003 của UBND huyện Quảng Ninh và hoạt động theo Nghị định 177/1999/NĐ-CP của Chính phủ. RDPR trong nhiều năm qua đã huy động nguồn tài trợ trong và ngoài nước để triển khai hoạt động dự án trên địa bàn tỉnh Quảng Bình. Mục đích hoạt động của Quỹ nhằm góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người nông dân và xoá đói giảm nghèo, với trọng tâm là cải thiện thu nhập, điều kiện chăm sóc sức khoẻ và giáo dục cho người nghèo, nhất là đối với phụ nữ và bà con dân tộc thiểu số thông qua nâng cao nhận thức, năng lực xác định và giải quyết các nhu cầu thiết yếu cho cộng đồng.


 

 Một số hoạt động của RDPR
 

Hàng năm RDPR duy trì thực hiện các chương trình dự án thông qua huy động nguồn tài chính từ các tổ chức như tổ chức ICCO Hà Lan, tổ chức hợp tác phát triển Đức (DED, GIZ), Quỹ môi trường Thụy Điển (SEF), tổ chức OXFAM, Liên minh châu Âu (EU), tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI), Đại sứ quán Australia, Tổ chức quốc tế pháp ngữ (OIF), Quỹ Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (WWF) và tham gia thành viên một số mạng lưới trong nước như Mạng lưới an ninh lương thực (CIFEN), Mạng lưới đất rừng (FORLAND), Mạng lưới sông ngòi Việt Nam (VRN), vv…

Qua 19 năm hoạt động, RDPR đã thực hiện nhiều dự án hỗ trợ đa dạng các loại hình về mô hình cải thiện sinh kế và an ninh lương thực cho cộng đồng tại các xã miền núi ở Quảng Bình về trồng trọt bao gồm như lúa, ngô, lạc, chuối; về chăn nuôi như ong, bò, lợn, gà, trồng cỏ chăn nuôi. Về lĩnh vực lâm nghiệp, RDPR đã thực hiện nhiều hoạt động khảo sát nghiên cứu hiện trạng, hỗ trợ giao đất giao rừng cho cộng đồng, tập huấn kỹ thuật và cung cấp cây giống. Thực hiện các hoạt động lập kế hoạch quản lý bảo vệ rừng có sự tham gia đồng thuận của cộng đồng theo phương pháp tiếp cận FPIC do GIZ hỗ trợ hoặc chương trình giám sát thực hiện các chính sách lâm nghiệp và REED+ do Tổ chức Minh bạch quốc tế (TI) tài trợ (2014-2015). Thực hiện tư vấn đề tài nghiên cứu khảo sát đánh giá nhu cầu phát triển các sản phẩm sinh kế khu vực 13 xã vùng đệm Vườn quốc gia Phong nha – Kẻ Bàng do GIZ tài trợ (2010). Giai đoạn 2017 đến 2018 RDPR đã hỗ trợ xây dựng nhóm Phụ nữ bản Khe Cát xã Trường Sơn tham gia bảo vệ rừng thông qua hỗ trợ trồng và phát triển cây Đót và tăng thu nhập cho cộng đồng ở bản Khe Cát. Năm 2021 RDPR hỗ trợ bản Cổ Tràng xã Trường Sơn trồng xen cây Trẩu và cây bản địa làm giàu rừng cho nhiều diện tích rừng cộng đồng.

Trong nhiều năm trở lại đây RDPR đã hỗ trợ cộng đồng phát triển theo phương pháp tiếp cận trao quyền và thúc đẩy phát triển chuỗi giá trị sản phẩm nông lâm nghiệp và tạo thương hiệu tiêu thụ trên thị trường như mô hình chuỗi giá trị cây sả, cây dược liệu cho đồng bào dân tộc Vân Kiều tại xã Trường Xuân huyện Quảng Ninh đạt chuẩn OCOP; Chuỗi sản xuất măng rừng cho cộng đồng tại bản Khe Ngang và Hang Chuồn xã Trường Xuân; Hiện nay RDPR đang triển khai dự án nuôi ong lấy mật và tiếp cận thị trường mật ong cho cộng đồng dân tộc tại xã Trường Sơn do Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ tài trợ. Trước đây RDPR cũng đã thực hiện dự án thúc đẩy phát triển chuỗi giá trị nuôi tôm tại xã Ngư Thủy Bắc thuộc huyện Lệ Thủy và tạo ra sản phẩm tôm sạch đạt tiêu chuẩn VietGAP. Với cách tiếp cận này giúp cho sản phẩm nông lâm nghiệp tăng thêm giá trị và tiêu thụ thuận lợi và giúp nâng cao thu nhập cho cộng đồng khi tham gia dự án. Tạo nên được mối liên kết bền vững giữa người dân (bên sản xuất) với doanh  nghiệp (bên hỗ trợ nguồn lực và tiêu thụ sản phẩm) trong phát triển chuỗi giá trị sản phẩm cho người dân ở vùng sâu vùng xa.

Về lĩnh vực bình đẳng giới, RDPR đã triển khai dự án Tăng cương tiếp cận pháp luật cho cộng đồng về luật bình đẳng giới, luật phòng chống bạo lực gia đình giai đoạn năm 2019-2020 do EU tài trợ. RDPR đã phối hợp nhiều tổ chức địa phương như Trung tâm SEEDS, CDC, Hội Luật gia tỉnh Quảng Bình triển khai thực hiện một số dự án về tiếp cận luật lao động, luật bảo vệ môi trường, giảm rác thải nhựa đại dương, phát triển năng lượng tái tạo,…

Hình thành và xây dựng năng lực cho các tổ chức cộng đồng cũng là điểm mạnh của RDPR với nhiều năm kinh nghiệm và là cách tiếp cận phát triển cộng đồng của RDPR khi triển khai các chương trình dự án có sự tham gia của cộng đồng. Phụ nữ và các nhóm yếu thế được huy động để tham gia trong các hoạt động dự án và phát triển kinh tế xã hội ở địa phương. Với kinh nghiệm và đóng góp của RDPR trong các hoạt động phát triển kinh tế xã hội trong thời gian qua đã nhận được sự ủng hộ của chính quyền và cộng đồng địa phương.

RDPR đã thực sự đem lại nhiều giá trị vô cùng ý nghĩa đối với xã hội, đặc biệt là đối với cộng đồng người nghèo vùng sâu vùng xa khó khăn và với nhóm yếu thế trong xã hội. Đây cũng là mục đích, mục tiêu, động lực phát triển của RDPR trong chặng đường tiếp theo. RDPR sẽ tiếp tục phát triển hơn nữa, mang lại nhiều giá trị tốt đẹp hơn nữa đến những đối tượng người nghèo, phụ nữ, trẻ em, những nơi thực sự cần sự hỗ trợ và giúp đỡ để cải thiện chất lượng cuộc sống bình đẳng và tốt đẹp hơn.

Tác giả bài viết: BBT-RDPR
 

Kết nối cộng đồng

Videos