.
Với mục tiêu nhằm xác định các chính sách đang triển khai trên địa bàn tỉnh Quảng Bình cũng như xây dựng các giải pháp tăng cường sự tham gia của người dân trong thực hiện và hưởng lợi các chính sách lâm nghiệp tại địa phương, Quỹ Phát triển Nông thôn và giảm nghèo huyện Quảng Ninh(RDPR) đã thực hiện hoạt động tham vấn các chính sách hỗ trợ phát triển lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh vào tháng 10. Hoạt động này được thực hiện trong khuôn khổ dự án “Tăng cường sự tham gia của người dân và các bên liên quan tham gia quản trị và giám sát quá trình thực hiện kế hoạch lâm nghiệp về phát triển rừng và quản trị REDD+” do tổ chức Towards Transparency tài trợ. Thông tin được thu thập từ tài liệu thứ cấp, phỏng vấn sâu, thảo luận nhóm với đối tượng tham vấn là cán bộ các cấp có liên quan đến thực thi và giám sát các chính sách lâm nghiệp và cộng đồng người dân tại 2 xã Trường Xuân và Trường Sơn, trong đó chủ yếu là người dân tộc Vân Kiều.
Sau quá trình tham vấn, ngày 20 tháng 11 năm 2014, tại Hội trường UBND Thị trấn Quán Hàu, RDPR đã tổ chức Hội thảo “ Báo cáo kết quả tham vấn các chính sách lâm nghiệp tại Quảng Bình”.
Hội thảo có sự tham gia của các ban ngành liên quan cấp tỉnh như Sở NN và PTNT, Chi cục Phát triển lâm nghiệp, các phòng liên quan cấp huyện như Văn phòng UBND, Phòng Nông nghiệp, Phòng Tài chính kế hoạch, Hạt kiểm lâm, Ban quản lý RPH Long Đại và Ba Rền, cùng đại diện 2 xã Trường Xuân và Trường Sơn.
Toàn cảnh Hội thảo Hội thảo đã được lắng nghe báo cáo tham vấn của nhóm tham vấn về các chính sách lâm nghiệp đang triển khai tại Quảng Bình nói chung và tại địa bàn huyện Quảng Ninh và 2 xã Trường Xuân và Trường Sơn nói riêng. Đại diện Phòng Nông Nghiệp Quảng Ninh cũng chia sẻ tại hội thảo về các chính sách lâm nghiệp đang được triển khai tại huyện Quảng Ninh hiện nay và các đánh giá chung về việc thực hiện các chính sách và các giải pháp do phòng Nông nghiệp huyện đề xuất.
Hiện nay tại địa bàn tỉnh Quảng Bình đang có 2 chính sách lâm nghiệp đang triển khai bao gồm: Kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng bền vững giai đoạn 2011-2020 và chính sách hỗ trợ giá mua cây giống lâm nghiệp trồng rừng sản xuất.
Qua kết quả khảo sát cho thấy, số lượng các chính sách hỗ trợ phát triển lâm nghiệp cho người dân không nhiều, số lượng người hưởng lợi các chính sách còn chưa cao. Bên cạnh đó, quá trình thực hiện một số chính sách còn nhiều bất cập, người dân được tiếp cận và hiểu biết về các chính sách còn hạn chế.
Vì vậy , hội thảo cũng nhận được các ý kiến đề xuất nhằm tăng cường sự tiếp cận và hưởng lợi của người dân như: đơn giản hóa các thủ tục thực hiện và giải ngân, tăng cường các phương pháp tuyên truyền hiệu quả đến người dân, đặc biệt là người dân tộc Vân Kiều, tiếp tục các hoạt động thúc đẩy giao đất giao rừng cho người dân, xây dựng các vườn ươm đạt các tiêu chuẩn tại địa phương, và thành lập Ban Phát triển Lâm nghiệp tại các xã nhằm tuyên truyền hướng dẫn cho người dân hiểu rõ và tiếp cận hưởng lợi hiệu quả từ các chính sách lâm nghiệp.