Banner tiếng Việt
Vietnamese English

Mô hình sinh kế cộng đồng góp phần xóa đói giảm nghèo dân tộc Vân Kiều

Đăng lúc: Thứ hai - 22/04/2013 09:07 - Người đăng bài viết: admin
Với phương thức “Cầm tay chỉ việc”, từ ngày thành lập (tháng 10/2003) đến nay, Quỹ Phát triển nông thôn và giảm nghèo huyện Quảng Ninh đã tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ đồng bào dân tộc Vân Kiều thực hiện mô hình phát triển kinh tế, nâng cao kỹ năng sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên đất trồng trọt, chăn nuôi, xây dựng các mô hình phát triển bền vững, góp phần cải thiện đời sống cho đồng bào dân tộc.
          Xã miền núi Trường Sơn nằm về phía tây của huyện Quảng Ninh (Quảng Bình). Diện tích đất tự nhiên trên 77.427 ha, chiếm 2/3 tổng diện tích toàn huyện. Xã có 929 hộ với 3.972 nhân khẩu, trong đó đồng bào dân tộc Vân Kiều chiếm hơn 50%. Nhân dân trong xã có nguồn thu nhập chủ yếu dựa vào sản xuất ngô, sắn, đậu, lúa nước dọc theo các thung lũng, triền khe suối và chăn nuôi trâu, bò, lợn, gà…nhưng chỉ với quy mô nhỏ, nên đời sống của người dân còn gặp rất nhiều khó khăn, (nhất là đối với đồng bào dân tộc Vân Kiều). Tỷ lệ hồ nghèo toàn xã chiếm 52%. Những năm qua, cùng với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và các chương trình dự án, Quỹ phát triển nông thôn và giảm nghèo huyện Quảng Ninh đã tích cực hỗ trợ các hộ đồng bào dân tộc xã miền núi xây dựng các mô hình phát triển kinh tế gia đình, góp phần xóa đói giảm nghèo, ổn định cuộc sống cộng đồng.
           Sáng kiến sinh kế cộng đồng là một mô hình phát huy được quy chế dân chủ cơ sở. Từ những kiến nghị đề xuất của người dân về việc xây dựng một số mô hình phát triển kinh tế phù hợp với điều kiện, phương thức sản xuất của địa phương, được thôn, bản đưa ra bàn bạc, thảo luận. Căn cứ vào biên bản họp dân và đề nghị của Ban phát triển dự án xã Trường Sơn, Quỹ phát triển nông thôn và giảm nghèo huyện Quảng Ninh tổ chức khảo sát, thẩm định tính khả thi của sáng kiến, từ đó đầu tư hỗ trợ nhân dân thực hiện.
          Theo đó, năm 2011, Quỹ phát triển nông thôn và giảm nghèo huyện Quảng Ninh tiếp tục hỗ trợ đồng bào dân tộc xã miền núi Trường Sơn xây dựng các mô hình sinh kế cộng đồng và bước đầu đã đưa lại hiệu quả thiết thực. Bà Trương Thị Hiển-Ban phát triển dự án xã Trường Sơn cho biết: “Ban phát triển xã cùng dự án đã và đang thực hiện 6 mô hình khuyến nông trên địa bàn xã trong đó có 4 mô hình trồng trọt và 3 mô hình chăn nuôi, có 87 hộ tham gia. Các hoạt động mô hình diễn ra theo đúng kế hoạch và đạt được kết quả đáng ghi nhận. Các hộ nắm bắt được kỹ thuật và áp dụng vào sản xuất, góp phần nâng cao đời sống cho bà con”.
          Đến nay, các mô hình sinh kế cộng đồng trên địa bàn xã Trường Sơn phát triển khá tốt. Mô hình nuôi gà thả vườn ở bản Cây Sú có 3 hộ gia đình thực hiện, với số lượng 45 con gà. Sau gần 4 tháng nuôi, đàn gà sinh trưởng, phát triển nhanh. Chị Hồ Thị Bông ở bản Cây Sú nói: “Gia đình tôi từ năm 2002 được dự án hỗ trợ nuôi gà Lương Phượng, gà Tam Hoàng, năm nay dự án tiếp tục hỗ trợ nuôi gà sinh sản. Sau hơn 3 tháng nuôi, nay gà đạt trọng lượng từ 1-1,3 kg và đang đẻ trứng. Nhờ dự án quan tâm đến gia đình tôi và các hộ khá trong bản nên bản Cây sú đã xóa được đói giảm được nghèo. Bà con chúng tôi rất cảm ơn dự án”.
          Quỹ phát triển nông thôn và giảm nghèo huyện Quảng Ninh cũng đã hỗ trợ 5 hộ gia đình người đồng bào dân tộc Vân Kiều ở bản Trung Sơn xây dựng mô hình trồng lúa nước. Các hộ được hỗ trợ giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và một phân công chăm sóc. Trong quá trình thực hiện được cán bộ dự án theo dõi, hướng dẫn kỹ thuật, phương pháp canh tác. Nhờ áp dụng đúng quy trình kỹ thuật nên mô hình lúa nước ở bản Trung Sơn đã đưa lại năng suất cao hơn so với vùng ruộng đối chứng. Anh Hoàng Văn Dũng-Trưởng bản Trung Sơn cho biết: “Bản Trung Sơn được dự án hướng dẫn kỹ thuật làm ruộng, hỗ trợ giống, phân bón để sản xuất lúa nước. Bà con cũng đã áp dụng thực hiện theo hướng dẫn nên mô hình lúa nước ở bản phát triển tốt, năng suất cao, bình quân mỗi sào đạt khoảng 2 tạ. Bà con ở đây rất phấn khởi”.
          Mô hình trồng chuối được thực hiện ở các bản Cổ Tràng, Bến Đường và Đá Chát với tổng số 21 hộ dân tham gia trồng 903 bụi chuối trên diện tích 7.500m2. Đến nay, bà con dân tộc Vân Kiều đang tiến hành thu hoạch chuối quả, bình quân mỗi buồng chuối có từ 8-9 nải, trị giá từ 70.000-100.000 đồng. Gia đình chị Hồ Thị Con ở bản Bến Đường được Quỹ phát triển nông thôn và giảm nghèo huyện hỗ trợ xây dựng mô hình trồng 50 bụi chuối lùn cũng đưa lại nguồn thu nhập khá, giúp chị trang trải cuộc sống. Ngoài ra, gia đình chị còn đầu tư chăn nuôi gà, lợn và trồng các loại cây ăn quả, rau màu trong vườn nhà góp phần cải thiện đời sống. Công việc làm ăn ngày càng ổn định, chị Con có điều kiện để chăm lo cho các con ăn học và mua sắm đồ dùng phục vụ sinh hoạt gia đình. Chị Hồ Thị Con cho biết: “Gia đình tôi trồng được 50 bụi chuối, hiện nay chuối đã vào kỳ thu hoạch, gia đình đã thu hoạch và bán được trên 10 buồng chuối, mỗi buồng từ 7 đến 9 nải trị giá từ 70.000 đến 100.000 đồng. Nhờ có vườn chuối mà gia đình được cải thiện cuộc sống, chăm lo cho các con ăn học”.
          Ngoài ra, Quỹ phát triển nông thôn và giảm nghèo huyện Quảng Ninh còn đầu tư xây dựng mô hình nuôi ong lấy mật ở Long Sơn, nhóm quay vòng vốn nuôi lợn thịt ở bản Trung Sơn và mô hình trồng cỏ VA-06 ở Liên Sơn, Xuân Sơn, Thượng Sơn …Nhìn chung các mô hình đều phát triển tốt và được người dân duy trì, nhân rộng góp phần cải thiện cuộc sống.
          Điều đáng ghi nhận là Quỹ phát triển nông thôn và giảm nghèo huyện Quảng Ninh vừa hỗ trợ cây, con giống vừa hướng dẫn kỹ thuật nhằm nâng cao năng lực cho bà con đồng bào dân tộc Vân Kiều, tạo được tính bền vững trong sản xuất. Hiệu quả đưa lại từ các mô hình sinh kế cộng đồng là rất thiết thực, tuy nguồn thu nhập của các hộ gia đình thực hiện mô hình không cao bằng các mô hình khác, nhưng rất phù hợp với phương thức canh tác của đồng bào dân tộc và dễ nhận rộng.
         Ông Nguyễn Văn Sỹ-Chủ tịch UBND xã Trường Sơn ghi nhận: “Việc hỗ trợ nhân dân xã Trường Sơn xây dựng các mô hình sinh kế cộng đồng của Quỹ phát triển nông thôn và giảm nghèo huyện Quảng Ninh đã có tác động đáng kể đến đời sống của người dân nơi đây, đặc biệt là người nghèo và đồng bào dân tộc Vân Kiều, tạo điều kiện để họ nâng cao kiến thức, kỹ thuật và áp dụng thực hiện vào sản xuất có hiệu quả, góp phần vào công cuộc xoá đói giảm nghèo ở xã biên giới khó khăn này”.
Tác giả bài viết: Theo Hà Ngọc Khang-Đài PT huyện Quảng Ninh
 

Kết nối cộng đồng

Videos