Banner tiếng Việt
Vietnamese English

Cây Đót giúp thoát nghèo

Đăng lúc: Thứ năm - 26/04/2018 08:09 - Người đăng bài viết: admin
.

.

Bà con người Vân Kiều ở bản Khe Cát, xã Trường Sơn (huyện Quảng Ninh) vừa trải qua một cái Tết sung túc hơn. Đặc biệt, mùa giáp hạt này dân bản không lo đói nhờ số tiền thu được từ mô hình trồng đót trên đất rừng vừa được Nhà nước giao...
Sống nghèo bên rừng vàng

Bản Khe Cát có 100% dân số là người dân tộc Vân Kiều, nằm cách trung tâm xã Trường Sơn khoảng 15km đi dọc theo đường Hồ Chí Minh nhánh Tây. Ông Nguyễn Văn Tráng, Chủ tịch Mặt trận xã Trường Sơn cho biết, cũng như nhiều bản khác ở xã Trường Sơn, một thời gian dài trước đây người Vân Kiều ở bản Khe Cát sống du canh, du cư trong rừng sâu bằng việc săn bắt, hái lượm.

Nhóm phụ nữ tham gia mô hình tiểu dự án trồng đót ở bản Khe Cát do RDPR chủ trì và hỗ trợ

Những năm gần đây, nhờ sự giúp đỡ của các chương trình dự án của Nhà nước, người Vân Kiều đã sống định cư. Tuy nhiên, do thiếu đất sản xuất nên cuộc sống của bà con vẫn hoàn toàn phụ thuộc vào rừng và hỗ trợ gạo của Chính phủ.

Theo ông Tráng, nguồn thu nhập chính của người dân bản Khe Cát hiện nay chỉ dựa vào một ít diện tích cây sắn, ngô, lạc và một số hộ có chăn nuôi trâu bò. Tuy nhiên, do mới chấm dứt cuộc sống du canh du, cư nên người dân Vân Kiều nơi đây chưa có kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, năng suất không cao, nguồn thu nhập từ sản xuất của bà con rất thấp, không đủ nuôi sống gia đình.

Để trang trải cuộc sống, người dân bản Khe Cát vẫn phải vào rừng kiếm thêm nguồn thu nhập từ khai thác lâm sản, như: cây đót tự nhiên, nấm lim, cây thuốc, mật ong... Do tài nguyên rừng ngày càng khan hiếm, những sản vật của rừng cũng không thể cho họ một cuộc sống no đủ được và cứ thế người Vân Kiều nơi đây vẫn không thể thoát ra khỏi vòng luẩn quẩn của đói nghèo, dù họ đang sống bên rừng vàng!

Một báo cáo điều tra của Quỹ Phát triển nông thôn và Giảm nghèo huyện Quảng Ninh (RDPR) mới đây cho biết, bản Khe Cát có 88 hộ với 358 khẩu thì đã có 82 hộ nghèo, số còn lại cũng là hộ cận nghèo.

Kỳ vọng thoát nghèo nhờ cây đót

Ông Phạm Mậu Tài, Giám đốc RDPR cho biết, năm 2014, Nhà nước đã cắt một phần đất từ lâm trường giao cho bà con Vân Kiều ở bản Khe Cát trồng rừng sản xuất. Nhưng, do nhiều diện tích đất được bàn giao nằm xa khu dân cư, không phù hợp với trồng keo và cây nông nghiệp, nên nhiều hộ đã bỏ hoang không sử dụng.

Qua khảo sát thực địa, RDPR nhận thấy, khu vực rừng này có cây đót, loài cây thuộc nhóm lâm sản ngoài gỗ vẫn được người dân nơi đây khai thác bông đem bán, mọc tự nhiên rải rác và phát triển khá tốt. Hiện nay, nhu cầu sử dụng cây đót trên thị trường còn lớn, do vậy, việc khai thác, thu hái cây đót trong rừng tự nhiên đang tăng nhanh và ngày càng cạn kiệt.

RDPR nhận định, để làm tốt công tác bảo vệ rừng, đồng thời phát huy lợi thế các cây rừng có giá trị tại địa phương và sử dụng đất rừng đã giao có hiệu quả, cần có mô hình hỗ trợ phục hồi và khai thác bền vững cây đót trên đất rừng tự nhiên của các hộ gia đình. Khảo sát thực tế cũng cho thấy, việc khai thác cây đót chủ yếu là do phụ nữ thực hiện, vì vậy dự án này sẽ tạo thêm cơ hội để phụ nữ có thu nhập cao hơn và làm chủ các hoạt động dự án, góp phần bảo vệ rừng tốt hơn, qua đó nâng cao năng lực và vị thế trong gia đình và xã hội cho phụ nữ.

Nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân và phụ nữ bản Khe Cát, đồng thời giúp bà con có thêm nguồn thu nhập ổn định, xóa đói giảm nghèo, RDPR sau khi khảo sát thực tế đã bắt tay ngay vào triển khai tiểu dự án “Tăng thu nhập và trao quyền cho phụ nữ dân tộc Vân Kiều thông qua dự án phục hồi và khai thác bền vững cây đót tại bản Khe Cát, xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh”.

Bà con phấn khởi thu hoạch vụ đót đầu tiên.

RDPR đã phối hợp với chi hội phụ nữ bản Khe Cát và xã Trường Sơn chọn 10 hộ nghèo là đồng bào dân tộc Vân Kiều trực tiếp thực hiện mô hình, mỗi hộ thử nghiệm 0,5 ha trồng đót...

Sau một thời gian triển khai, những ngày trước và sau Tết Mậu Tuất, người Vân Kiều ở bản Khe Cát phấn khởi thu hoạch vụ đót đầu tiên thắng lợi . Đót được bà con thu hoạch vượt sông Long Đại đưa ra tập kết ở đường Hồ Chí Minh chờ thương lái dưới xuôi lên cân và vận chuyển về xuôi. Chị Hồ Thị Hồng, nhóm trưởng nhóm mô hình của dự án cho biết, từ 0,5 ha đót mô hình ban đầu, hiện nay, các hộ dân nơi đây đã nhân rộng lên mỗi hộ 1 ha và có thêm nhiều hộ khác cũng tham  gia.

Hiện tại, tuy đót chưa được thu hoạch hết, nhưng các hộ đã có thu nhập hơn 20 triệu đồng/1 hộ mô hình. Số tiền này đã giúp bà con nơi đây mua sắm cho cái Tết Mậu Tuất sung túc hơn và không còn phải lo cái đói cận kề trong mùa giáp hạt như những năm trước đây.

Theo ông Nguyễn Mậu Tài, đánh giá của mô hình cho thấy, đót đã quá quen thuộc với bà con và là cây bản địa nên phù hợp với đặc điểm khí hậu tại địa phương. Trên thực tế, cây đót cho thu nhập khá cao đối với bà con bản Khe Cát, nhất là trong thời gian giáp hạt. Ngoài ra, việc tạo nên vùng nguyên liệu ổn định và có được các đầu mối thu mua sản phẩm tại bản đã giúp cho mô hình được nhân rộng và thu hút sự quan tâm của người dân trong việc bảo tồn cây đót và nhiều cây bản địa có giá trị khác tại địa phương.

Riêng cây đót đang được kỳ vọng giúp người dân tộc Vân Kiều nơi đây thoát ra khỏi vòng luẩn quẩn của đói nghèo.Từ thành công này, chính quyền xã Trường Sơn đã phổ biến nhân rộng ra trong bản và các bản khác. Trước mắt, xã Trường Sơn đã có kế hoạch để nhân rộng mô hình trồng đót sang bản Ploang...


Nguồn tin: www.baoquangbinh.vn
 

Kết nối cộng đồng

Videos