Banner tiếng Việt
Vietnamese English

Cây trẩu trên đất Trường Sơn

Đăng lúc: Thứ hai - 07/08/2023 10:05 - Người đăng bài viết: admin
Cây trẩu trên đất Trường Sơn

Cây trẩu trên đất Trường Sơn

(QBĐT) - Nhằm tạo mô hình sinh kế cho bà con, góp phần bảo vệ rừng theo hướng bền vững, Quỹ Phát triển nông thôn và giảm nghèo huyện Quảng Ninh (RDPR) phối hợp với hội nghệ sĩ, doanh nghiệp, nhà hảo tâm TP. Hồ Chí Minh hỗ trợ 450 triệu đồng cho bà con 2 bản Chân Trôộng, Cổ Tràng, xã Trường Sơn (Quảng Ninh) trồng 70ha cây trẩu dưới tán rừng cộng đồng. Hơn một năm chăm sóc, cây trẩu đã phát triển tốt, hứa hẹn mang lại nguồn thu nhập cao cho bà con trong thời gian tới.
Sau trận lũ năm 2020, Giám đốc Quỹ RDPR Phạm Mậu Tài đã kết nối với nhiều đoàn thiện nguyện về trao quà, hỗ trợ cho bà con xã Trường Sơn. Về đây, các đoàn đều nhận thấy núi rừng Trường Sơn rộng lớn nhưng người dân vẫn còn nghèo, lại gánh chịu nhiều thiên tai. Để giúp bà con thoát nghèo, đơn vị đã phối hợp với hội nghệ sĩ, doanh nghiệp, nhà hảo tâm TP. Hồ Chí Minh triển khai mô hình sinh kế kết hợp với bảo vệ, phát triển rừng.
Cây trẩu đang phát triển tốt dưới tán rừng bản Cổ Tràng.
Từ nguồn kinh phí huy động được 450 triệu đồng, Quỹ RDPR đã làm việc với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hạt Kiểm lâm huyện Quảng Ninh và UBND xã Trường Sơn chọn vị trí để triển khai mô hình trồng cây trẩu và một số cây bản địa nhằm làm giàu cho rừng, tạo sinh kế cho người dân. Sau đó, Quỹ RDPR đã thuê đơn vị thiết kế, hỗ trợ kỹ thuật và tổ chức cho bà con trong xã vào huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) học hỏi kinh nghiệm trồng, chăm sóc cây trẩu.
 
Cây trẩu đang phát triển tốt dưới tán rừng bản Cổ Tràng.
Giám đốc Quỹ RDPR Phạm Mậu Tài cho biết: “Qua chuyến tham quan tại Quảng Trị, chúng tôi nhận thấy người dân ở đây trồng hàng nghìn ha cây trẩu. Nhiều hộ dân còn chuyển đổi cả đất trồng cà phê và một số cây khác qua trồng trẩu. Trước đó, bà con nơi đây cũng thường xuyên vào rừng nhặt hạt trẩu về bán cho thu nhập khá cao. Qua tìm hiểu, chúng tôi thấy thổ nhưỡng, khí hậu ở huyện Hướng Hóa tương đồng với xã Trường Sơn nên quyết tâm đưa giống cây này về trồng, góp phần làm giàu thêm cho rừng, chống sạt lở đất, hạn chế thiệt hại do mưa lũ, nâng cao thu nhập cho người dân”.
 
Tháng 1/2021, Quỹ RDPR đã chọn gần 1ha khu vực rừng nghèo ở bản Chân Trôộng để trồng 200 cây trẩu, 100 cây lát hoa, 100 cây dỗi lấy hạt. Qua 1 năm trồng và chăm sóc, các loại cây bản địa này cho thấy phù hợp với thời tiết, đất đai nên phát triển rất tốt, nhất là cây trẩu. Nhận thấy đây là loại cây có triển vọng trong phát triển kinh tế, vừa làm giàu cho rừng, Quỹ RDPR đã quyết định mở rộng thêm diện tích 70ha tại khu vực rừng cộng đồng bản Cổ Tràng. Toàn bộ diện tích trẩu được trồng tại khoảnh 3, tiểu khu 348 và 349, rừng cộng đồng bản Cổ Tràng.
 
Trước khi mở rộng diện tích trồng trẩu, Quỹ RDPR đã hợp đồng với Công ty Lâm nghiệp Quảng Ninh khảo sát địa bàn cụ thể, tiến hành trồng rừng. Tại các vị trí dự kiến trồng rừng đã được công ty tư vấn và nhóm cộng đồng cắm mốc giới, giúp cho việc triển khai trồng rừng không bị phạm vào khu rừng tự nhiên của xã.
 
Diện tích trẩu được trồng 12 lô, cây ươm sẵn trong bầu, có chiều cao từ 30-50cm, mật độ trồng 500-600 cây/ha, hàng cách hàng 5m, cây cách cây 3m. Trước khi trồng, người dân đã tập trung phát tuyến, phát quang và đào hố theo kích thước 30x30x30. Sau một thời gian, Quỹ RDPR và bà con trong bản Cổ Tràng đã trồng được 70ha rừng với 35.000 trẩu và 10.000 cây lát hoa, de rừng.
Nhờ trồng cây trẩu nên hàng trăm ha rừng cộng đồng của bản Cổ Tràng được bảo vệ tốt hơn.
Ông Nguyễn Văn Bền, Trưởng bản Cổ Tràng phấn khởi: “Được Quỹ RDPR và các nhà hảo tâm hỗ trợ cho trồng cây trẩu và các loại cây bản địa khác, tôi và bà con trong bản mừng lắm. Để bảo vệ cây trồng, bản đã thành lập 8 tổ bảo vệ, mỗi tổ đi kiểm tra rừng 2 lần/tháng, mỗi năm phát thực bì 2 lần tại các gốc cây. Ngoài ra, tôi còn dặn bà con trong bản mỗi lần lên rừng cần phải kiểm tra cây trồng, rừng tự nhiên. Nếu gặp trâu, bò vào rừng thì phải đuổi đi, gặp người lạ vào thì phải báo lại cho bản hoặc lực lượng chức năng để có biện pháp ngăn chặn, không để họ phá rừng”.
 
Nhờ được chăm sóc, bảo vệ tốt nên cây trẩu ở xã Trường Sơn sống đạt khoảng 80%. Tuy mới trồng được hơn 1 năm nhưng nhiều cây đạt chiều cao hơn 2m, đường kính gốc đạt gần 2cm.
 
Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm Trường Sơn (Hạt Kiểm lâm Quảng Ninh) Hoàng Xuân Tình chia sẻ: “Cây trẩu được đánh giá là loại cây sinh trưởng nhanh, thích nghi rộng ở nhiều vùng sinh thái và chịu được các điều kiện thời tiết khắc nghiệt. Tuy mới trồng được hơn 1 năm nhưng cây đã cho thấy thích nghi với điều kiện tại xã Trường Sơn. Trẩu cũng được xem là cây lâm nghiệp đa tác dụng, có giá trị kinh tế cao, vừa mang lại nguồn thu nhập cho người dân, vừa góp phần vào việc phủ xanh đất trống, đồi núi trọc, đáp ứng yêu cầu phòng hộ của rừng. Từ khi trồng cây trẩu, bà con bản Cổ Tràng cũng thường xuyên vào rừng chăm sóc cây, nhờ đó mà rừng ở nơi đây càng được bảo vệ tốt hơn”.
Khu vực rừng trồng trẩu ở bản Cổ Tràng.
Để tìm đầu ra cho hạt, gỗ trẩu, Quỹ RDPR cũng đã vào làm việc với các đơn vị ở Quảng Trị để liên kết thu mua sản phẩm, mở rộng diện tích trên địa bàn huyện Quảng Ninh. “Việc phát triển trồng trẩu sẽ giúp người dân xã Trường Sơn có thêm việc làm ổn định, tăng thu nhập; góp phần phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, xóa đói giảm nghèo và bảo đảm quốc phòng-an ninh khu vực biên giới trong thời gian tới”, Chủ tịch UBND xã Trường Sơn Hoàng Trọng Đức nhấn mạnh.
 
 
Trẩu là một loài cây thân gỗ, thuộc họ thầu dầu và đạt chiều cao khoảng 15-16m khi trưởng thành. Theo tính toán, cây trẩu từ khi trồng đến khi thu hoạch hạt cần khoảng 5 năm và 10 năm sẽ cho thu hoạch gỗ. Trung bình 1kg hạt trẩu được bán với giá khoảng 10-15 nghìn đồng. Dầu ép từ hạt trẩu là nguyên liệu phục vụ cho các ngành công nghiệp chế biến sơn, véc-ni, mực in, chất làm khô bề mặt, chất bôi trơn, công nghiệp dược phẩm, nhiên liệu sinh học… Gỗ trẩu thường được bóc làm lớp phủ bề mặt của công nghệ chế biến gỗ dán rất có giá trị.
 

Tác giả bài viết: Xuân Vương
 

Kết nối cộng đồng

Videos