Banner tiếng Việt
Vietnamese English

"Tinh hoa" núi rừng Trường Sơn

Đăng lúc: Thứ bảy - 01/07/2023 23:37 - Người đăng bài viết: admin
"Tinh hoa" núi rừng Trường Sơn

"Tinh hoa" núi rừng Trường Sơn

(QBĐT) - Tuy mô hình không mới nhưng nuôi ong ở đại ngàn Trường Sơn (xã Trường Sơn, Quảng Ninh) ứng dụng công nghệ, nâng cao chất lượng mật là hướng đi mới, góp phần tạo dựng thương hiệu, chỗ đứng trên thị trường, giúp bà con vùng sâu, vùng xa có việc làm, thu nhập ổn định, phát triển kinh tế vững bền...

 
 
Người dân thu hoạch mật ong.
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Quảng Ninh Lê Ngọc Huân, được sự hỗ trợ của các cấp, ngành, thời gian qua, huyện Quảng Ninh thực hiện hàng chục mô hình phát triển kinh tế đạt hiệu quả. Qua thực tiễn chứng minh, việc ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất nông nghiệp giúp tạo ra nguyên liệu, sản phẩm có giá trị gia tăng cao; đồng thời cải tiến, tối ưu hóa sản xuất, kinh doanh, giải phóng sức lao động, nâng cao năng suất, giảm chi phí sản xuất.
 
Một trong những mô hình được triển khai tại xã miền núi Trường Sơn, tận dụng được lợi thế, phù hợp điều kiện tự nhiên, có nhiều triển vọng về sự phát triển bền vững là nuôi ong lấy mật. Thành công của mô hình là giải quyết việc làm, tạo nguồn thu nhập ổn định cho phụ nữ thuộc nhóm đối tượng dễ tổn thương và bà con dân tộc Bru-Vân Kiều với mức bình quân từ 25-30 triệu đồng/thành viên/năm.
 
Giám đốc Quỹ Phát triển nông thôn và giảm nghèo huyện Quảng Ninh Phạm Mậu Tài cho biết, thông qua sự hỗ trợ kinh phí từ một tổ chức quốc tế, nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn xã Trường Sơn có điều kiện tham gia mô hình nuôi ong lấy mật ứng dụng công nghệ cao, trở thành hướng phát triển kinh tế phù hợp.


 
Mô hình nuôi ong lấy mật góp phần giải quyết việc làm ổn định cho nhiều phụ nữ thuộc nhóm đối tượng dễ tổn thương và bà con dân tộc Bru-Vân Kiều.
 
“Trong quá trình thực hiện mô hình, cùng với việc hỗ trợ nâng cao năng lực về quản lý, sản xuất, kinh doanh và cải thiện được chất lượng sản phẩm, Hợp tác xã (HTX) Nuôi ong lấy mật đại ngàn Trường Sơn và các thành viên tiếp tục được hỗ trợ các bước hoàn thiện chất lượng sản phẩm, như: Thiết bị máy móc sản xuất, đóng chai, bảo quản sản phẩm, thiết kế mẫu mã, kiểm định chất lượng, đăng ký mã số mã vạch truy xuất nguồn gốc sản phẩm, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm đủ tiêu chuẩn tiêu thụ trên thị trường. Nhờ đó HTX sản xuất, tiêu thụ đạt hiệu quả; số đàn ong tăng từ 75 đàn lên 200 đàn và đến nay toàn HTX đã có 600 đàn ong cho thu hoạch mật; mỗi thành viên nuôi khoảng từ 15-30 đàn ong lấy mật”, Giám đốc HTX Nuôi ong lấy mật đại ngàn Trường Sơn Lê Văn Tiến cho hay.
 
Là thành viên tham gia mô hình từ những ngày đầu, hiện bà Phan Thị Lan ở thôn Long Sơn chăm sóc 20 đàn ong lấy mật. Mùa thu hoạch mật năm nay (từ tháng 4-7), tính đến thời điểm hiện tại, bà Lan đã 3 lần quay mật, thu được trên 40 lít mật. Theo bà Lan, nếu tiêu thụ thuận lợi, gia đình bà cũng có kinh phí để trang trải thêm, bởi phụ thuộc quanh năm vào mấy sào đất trồng lúa, trồng lạc… cuộc sống còn lắm chật vật.
 
“Người nuôi ong lấy mật đã có nhiều cố gắng trong các công đoạn từ chăm sóc, thu hoạch, đóng chai sao cho bảo đảm chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, sản phẩm mật có thời hạn sử dụng kéo dài…, nhưng đâu đó vẫn chưa “vừa lòng” người mua. Nhiều người vẫn nghĩ mật ong nuôi là ong “ăn đường”. Với điều kiện núi rừng Trường Sơn, cây rừng, hoa rừng rất nhiều, vì vậy, chất lượng mật ong nuôi ở đây như mật ong rừng tự nhiên. Những tháng mùa đông, khi điều kiện thời tiết mưa lạnh kéo dài, để duy trì sự sống và giữ đàn ong ở lại, người nuôi mới cho ong “ăn dặm” một lượng đường rất nhỏ, nhưng thời gian này lại không thu hoạch mật”, bà Phan Thị Lan chia sẻ thêm.
Thương hiệu mật ong đại ngàn Trường Sơn.
 
Theo đánh giá của của HTX Nuôi ong lấy mật đại ngàn Trường Sơn, hiện tại, việc sản xuất, kinh doanh của HTX tiến triển tốt, thời tiết thuận lợi, các thành viên đã nắm vững kỹ thuật sản xuất, nên sản lượng mật thu được nhiều. “Mong muốn lớn nhất của HTX là được hỗ trợ thêm về ứng dụng khúc xạ kế đo thủy phần mật ong, nhằm xác định được hàm lượng nước trong mật; đồng thời, HTX rất cần sự hỗ trợ từ các ban, ngành, đoàn thể của huyện trong việc kết nối tiêu thụ sản phẩm mật ong-“tinh hoa” của núi rừng Trường Sơn”, Giám đốc HTX Nuôi ong lấy mật đại ngàn Trường Sơn Lê Văn Tiến bày tỏ.
 
“Để nâng cao giá trị sản phẩm, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội địa phương, thời gian tới, huyện Quảng Ninh tiếp tục hỗ trợ để người dân trên địa bàn tiếp cận hơn với công nghệ cao phù hợp để ứng dụng vào sản xuất trong các lĩnh vực nông, lâm nghiệp… Từ đó nâng cao ý thức của người dân, đặc biệt là đồng bào vùng sâu, vùng xa trong vấn đề chủ động phát triển kinh tế, ổn định, nâng cao cuộc sống và góp phần bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường sinh thái”, Phó Chủ tịch UBND huyện Quảng Ninh Lê Ngọc Huân trao đổi thêm.
 
Với nguồn hỗ trợ ban đầu 800 triệu đồng và tập huấn chuyển giao kỹ thuật, HTX Nuôi ong lấy mật đại ngàn Trường Sơn được cung cấp 75 đàn ong giống cho 25 thành viên tham gia mô hình, đến nay, sau hơn 1 năm đi vào hoạt động, HTX đã phát triển lên 31 thành viên. Từ đầu năm 2023 đến nay, với 3 lần quay, HTX đã thu hoạch trên 1.000 lít mật; ước tính sản lượng đến hết năm 2023 trên 2.000 lít; giá bán trung bình 450.000 đồng/lít. 

Tác giả bài viết: Hương Trà
Nguồn tin: baoquangbinh.vn

Những tin mới hơn

 

Kết nối cộng đồng

Videos