Ngày 03.7.2003 đã diễn ra lễ kỷ niệm 20 thành lập Qũy phát triển nông thôn và giảm nghèo (RDPR), vinh dự đến với buổi lễ có sự hiện diện của ông Trần Hải Châu_Phó bí thư thường trực, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Bình, Nguyễn Ngọc Phương_Nguyên phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, ông Nguyễn Văn Đảm_Nguyên bí thư huyện ủy, nguyên chủ tịch UBND huyện, ông Nguyễn Ngọc Thụ_Phó bí thư Thường trực huyện ủy, CT HĐND huyện Quảng Ninh, cùng sự tham gia của lãnh đạo của các phòng ban thuộc UBND huyện, huyện ủy, Hội nông dân, hội phụ nữ, lãnh đạo các xã Trường Xuân, Trường Sơn và những thành viên là người hưởng lợi từ những dự án RDPR từng triển khai.
Ngày 03 tháng 7 năm 2003, căn cứ văn bản ủy quyền số 1562/UB của UBND tỉnh Quảng Bình, Chủ tịch UBND huyện Quảng Ninh ra Quyết định số 182/QĐ-UB thành lập Quỹ Phát triển Nông thôn và Giảm nghèo huyện Quảng Ninh (gọi tắt là RDPR) là một tổ chức xã hội và hoạt động theo Nghị định số 177/1999/NĐ-CP của Chính phủ (nay là Nghị định 93/2019/NĐ-CP, cơ sở pháp lý thành lập Quỹ xã hội, từ thiện).
RDPR được 3 tổ chức xã hội và đoàn thể đồng sáng lập là Hội Phụ nữ, Hội nông dân huyện và Trung tâm RDSC là kế thừa sự tài trợ của tổ chức ICCO- Hà Lan bắt đầu thực hiện tại huyện Quảng Ninh từ năm 1997.
RDPR ra đời trong bối cảnh giảm nghèo là một vấn đề xã hội hàng đầu được cộng đồng và chính quyền ưu tiên giải quyết ở địa phương. Trong những năm đầu, địa bàn hoạt động ưu tiên của Quỹ được xác định là hai xã Trường Sơn và Trường Xuân, hai địa phương ưu tiên của các chương trình phát triển kinh tế xã hội của tỉnh. Các cộng đồng dân cư ở đây cách biệt với trung tâm, có diện tích hơn một nửa huyện Quảng Ninh. Đây cũng là nơi sinh sống của bà con Vân Kiều và cộng đồng dân tộc ít người với tỷ lệ người nghèo lên tới hơn 70%.
Với nhu cầu trên, RDPR đã ra đời thực hiện nhiệm vụ huy động nguồn lực với mục đích nhằm góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người nông dân và xoá đói giảm nghèo, với trọng tâm là cải thiện thu nhập, điều kiện chăm sóc sức khoẻ và giáo dục cho người nghèo, nhất là đối với phụ nữ, trẻ em và bà con dân tộc thiểu số thông qua nâng cao nhận thức, năng lực xác định và giải quyết các nhu cầu thiết yếu cho cộng đồng. Thúc đẩy cộng đồng tiếp cận các nguồn lực về khuyến nông, khuyến lâm, đất đai, quản lý tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường, tiếp cận chính sách pháp luật nhà nước và bình đẳng giới.
Từ khi mới thành lập cho đến nay RDPR luôn nhận được sự quan tâm giúp đỡ của lãnh đạo huyện ủy, UBND huyện Quảng Ninh đã tạo điều kiện văn phòng cơ sở vật chất để làm việc và triển khai dự án. Tại các xã, chính quyền địa phương cũng rất tích cực phối hợp tham gia thực hiện dự án, sắp xếp văn phòng làm việc tại cơ sở, điều kiện đất đai xây dựng văn phòng thực địa (như Trung tâm đào tạo cộng đồng xã Trường Sơn). Đặc biệt RDPR đã nhận được sự phối hợp của nhiều phòng, ban, UBMTTQ và các hội đoàn thể huyện trong việc triển khai dự án và sự hỗ trợ của nhiều cơ quan cấp tỉnh như Sở Ngoại vụ, Sở kế hoạch đầu tư, Công an tỉnh trong công tác tiếp nhận viện trợ nước ngoài.
Nhờ vậy, trong 20 năm qua, RDPR đã huy động được nhiều nguồn tài trợ trong và ngoài nước để triển khai dự án trên địa bàn tỉnh Quảng Bình. RDPR đã tạo được mối quan hệ từ nhiều tổ chức quốc tế như: Tổ chức ICCO Hà Lan, tổ chức hợp tác phát triển Đức (DED, GIZ), Quỹ môi trường Thụy Điển (SEF), tổ chức OXFAM, Liên minh châu Âu (EU), tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI), Đại sứ quán Australia, Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ (OIF), Quỹ Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (WWF) và tham gia thành viên một số mạng lưới trong nước như Mạng lưới an ninh lương thực và giảm nghèo (CIFEN), Mạng lưới đất rừng (FORLAND), Mạng lưới sông ngòi Việt Nam (VRN), vv…
Qua 20 năm hoạt động, RDPR đã thực hiện nhiều dự án hỗ trợ với đa dạng các loại hình mô hình cải thiện sinh kế và an ninh lương thực cho cộng đồng tại các khu vực miền núi và đồng bào dân tộc Vân Kiều. Nhiều công trình phát triển hạ tầng nhỏ, như hệ thống tưới nước, kênh mương, nước sinh hoạt, nhà văn hóa thôn bản được thực hiện với sự tham gia toàn diện của cộng đồng tại các thôn bản. Về lĩnh vực lâm nghiệp, RDPR đã thực hiện nhiều hoạt động khảo sát nghiên cứu hiện trạng quản lý đất rừng, hỗ trợ giao đất giao rừng cho cộng đồng, cấp giấy quyền sử dụng đất rừng, tập huấn kỹ thuật và cung cấp cây giống, thực hiện các mô hình trồng rừng phòng hộ, bảo tồn phát triển cây bản địa và bảo vệ rừng cộng đồng.
Trong những năm gần đây, RDPR đã hỗ trợ cộng đồng phát triển trong sản xuất theo tiếp cận chuỗi giá trị, thúc đẩy phát triển theo hướng chuỗi giá trị sản phẩm nông lâm nghiệp, tạo thương hiệu sản phẩm và mở rộng tiếp cận thị trường. Trong giai đoạn 2019-2022 đã hỗ trợ hình thành được 3 nhóm sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP tại cộng đồng, như: Mô hình chuỗi giá trị cây sả, cây dược liệu tại xã Trường Xuân; Chuỗi sản phẩm mật ong tại xã Trường Sơn; Chuỗi sản phẩm măng rừng tại bản Hang Chuồn xã Trường Xuân. .
Về lĩnh vực hỗ trợ cộng đồng tiếp cận chính sách pháp luật và bình đẳng giới, RDPR đã triển khai một số dự án nổi bật như: Giai đoạn 2009 -2011, RDPR đã phối hợp cùng với UBMTTQ huyện thực hiện dự án tuyên truyền và vận động chấp hành pháp luật trong cộng đồng dân cư do ICCO tài trợ; Giai đoạn năm 2019-2020, thực hiện dự án “Tăng cường tiếp cận pháp luật cho cộng đồng về luật bình đẳng giới, luật phòng chống bạo lực gia đình, luật hôn nhân và gia đình” do EU tài trợ và thực hiện 5 xã miền núi của huyện Quảng Ninh và Lệ Thủy. Giai đoạn 2020-2022, RDPR đã phối hợp với một số tổ chức địa phương khác như Trung tâm phát triển cộng đồng, Hội Luật gia tỉnh Quảng Bình tư vấn triển khai thực hiện một số dự án về tiếp cận Luật bảo vệ môi trường, Giảm rác thải nhựa Đại dương, phát triển năng lượng tái tạo, tại các huyện Quảng Ninh, Đồng Hới, Bố Trạch… Từ tháng 6 năm 2023, RDPR bắt đầu tiếp nhận và triển khai dự án “Tăng cường tiếp cận pháp luật và đảm bảo sự tham gia của phụ nữ, người nghèo và người dân tộc thiểu số trong quá trình phát triển kinh tế xã hội ở địa phương thông qua thúc đẩy thực thi Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở tại tỉnh Quảng Bình” do EU tài trợ và Bộ Tư pháp là chủ dự án.
Quá trình hoạt động của mình, RDPR đã tạo ra những kết quả phát triển bền vững ở cộng đồng. Để đạt được những kết quả trên, ngoài những nổ lực làm việc của tập thể cán bộ nhân viên RDPR qua các thời kỳ, chúng tôi đã nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của chính quyền các cấp, các ngành, đối tác và tham gia nhiệt tình của cộng đồng địa phương.
Sự đóng góp RDPR cũng đã được chính quyền các cấp có những ghi nhận, năm 2012 RDPR đã nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình về thành tích huy động viện trợ và góp phần phát triển kinh tế xã hội tại tỉnh Quảng Bình. Năm 2013 nhận Bằng khen của Bí thư tỉnh ủy về thành tích đóng góp thực hiện bảo tồn văn hóa mang đậm bản sắc dân tộc. Ngoài ra RDPR đã nhận được nhiều Giấy khen của UBND huyện, UBMTTQ huyện và Sở Ngoại vụ tỉnh Quảng Bình trong vận động viện trợ và phối hợp triển khai thực hiện phổ biến pháp luật và phát triển kinh tế xã hội tại địa phương.
Ông Nguyễn Ngọc Thụ_PBT Thường trực huyện ủy, CT HĐND huyện Quảng trao bằng khen cho RDPR
Ngày 3.7.2023, RDPR kỷ niệm 20 năm thành lập và hoạt động phát triển xã hội ở huyện Quảng Ninh và tỉnh Quảng bình và vui mừng đón nhận thêm Bằng khen của UBND tỉnh Quảng Bình, cũng là dịp RDPR định hướng cho kế hoạch phát triển của tổ chức trong giai đoạn mới. Hy vọng trong thời gian tới, RDPR tiếp tục nhận được sự quan tâm và ủng hộ của lãnh đạo các Sở ban ngành cấp tỉnh, lãnh đạo huyện Quảng Ninh, lãnh đạo các xã dự án, các đồng nghiệp và quý vị đại biểu để chương trình dự án RDPR được triển khai hiệu quả và góp phần phát triển kinh tế xã hội ở địa phương ngày càng tốt đẹp hơn.
Một số hình ảnh của buổi lễ kỷ niệm