Thúc đẩy bình đẳng giới ở vùng đồng bào dân tộc Vân Kiều
Đăng lúc: Thứ ba - 17/09/2019 14:04
- Người đăng bài viết: admin
Phụ nữ Vân Kiều ở xã Trường Sơn (Quảng Ninh) vẫn đang phải chịu nhiều bất bình đẳng giới.
Những năm qua, tình trạng bạo lực gia đình (BLGĐ), bất bình đẳng giới (BBĐG) vẫn âm ỉ xảy ra ở vùng đồng dân tộc thiểu số trong tỉnh. Tới đây, một dự án về thúc đẩy bình đẳng giới (BĐG) và phòng chống BLGĐ sẽ được triển khai ở 5 xã Trường Sơn, Trường Xuân (Quảng Ninh) và xã Ngân Thủy, Kim Thủy, Lâm Thủy (Lệ Thủy), nơi sinh sống người Vân Kiều, nhằm trang bị cho đồng bào những kiến thức pháp lý về hôn nhân gia đình, BĐG và phòng chống BLGĐ...
Dai dẳng tư tưởng trọng nam khinh nữ
Đồng bào dân tộc Vân Kiều ở tỉnh Quảng Bình chủ yếu sống tập trung ở 5 xã gồm: Trường Sơn, Trường Xuân (huyện Quảng Ninh) và Ngân Thủy, Kim Thủy, Lâm Thủy (Lệ Thủy). Một nghiên cứu khảo sát mới đây do Quỹ Phát triển nông thôn và Giảm nghèo (RDPR) tiến hành cho thấy, ở 5 xã này có khoảng 12.676 người dân sinh sống, trong đó có 74% dân tộc Vân Kiều, là vùng đặc biệt khó khăn có hơn 60% hộ nghèo và cận nghèo. Người Vân Kiều nơi đây sống với truyền thống phụ hệ, tư tưởng “trọng nam khinh nữ” vẫn còn tồn tại dai dẳng, vì vậy người phụ nữ chịu nhiều hình thức bất bình đẳng về giới và BLGĐ trên cơ sở giới.
Theo điều tra vào năm 2018, có tới 70% phụ nữ đồng bào dân tộc Vân Kiều không biết đọc, biết viết tiếng phổ thông. Các hiện tượng tảo hôn, tục nối dây, đa thê vẫn còn xảy ra trong cộng đồng dân tộc Vân Kiều. Phụ nữ vẫn thường xuyên bị bạo lực thể xác và tinh thần. Họ không tiếp cận được thông tin pháp luật, không được trợ giúp pháp luật phù hợp vì những rào cản địa lý, ngôn ngữ, mặc cảm giới và tập tục. Trong 6 tháng đầu năm 2018, có 319 vụ ly hôn, trong đó, 70% vụ lý do là BLGĐ. Trong các loại bạo lực, thì 81% là các vụ bạo lực thể xác.
Cũng theo báo cáo điều tra, điều đáng quan ngại là phần lớn những BBĐG và BLGĐ ở vùng đồng bào dân tộc Vân Kiều đều được cộng đồng ở đây coi là đúng, là điều hiển nhiên. Những vấn đề như: đàn ông không phải làm việc nhà, đó là việc của phụ nữ; vợ không được quyền chia tài sản chung là nhà khi ly hôn; việc học lên cao chỉ ưu tiên cho con trai, con gái phải ở nhà làm việc nhà; người chồng toàn quyền quyết định phương pháp kế hoạch hóa gia đình; chồng quyết định mọi chi tiêu lớn, ý của vợ chỉ tham khảo…
Thúc đẩy tiếp cận pháp lý, giảm thiểu BBĐG và BLGĐ
Để góp phần giúp đồng bào dân tộc Vân Kiều tiếp cận với những kiến thức pháp lý về hôn nhân gia đình, giảm thiểu các vụ BLGĐ và BBĐG, được sự đồng ý của UBND tỉnh, Quỹ RDPR đã triển khai dự án “Thúc đẩy tiếp cận công lý về hôn nhân và gia đình, BĐG và phòng chống BLGĐ cùng cộng đồng người nghèo và dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Bình”. Dự án được triển khai tại 5 xã gồm: Trường Sơn, Trường Xuân (Quảng Ninh) và xã Ngân Thủy, Kim Thủy, Lâm Thủy (Lệ Thủy); bắt đầu từ tháng 6-2019, sẽ kết thúc cuối tháng 10-2020.
Ông Phạm Mậu Tài, Giám đốc Quỹ RDPR cho biết, dự án hướng tới 4 mục tiêu cụ thể như sau: phát triển mạng lưới phổ biến tư vấn pháp luật tự nguyện tại cộng đồng; nâng cao nhận thức cộng đồng về Luật BĐG, Luật Phòng chống BLGĐ, Luật Hôn nhân và gia đình; tư vấn trợ giúp pháp lý về BĐG, hôn nhân gia đình và bạo lực trên cơ sở giới; học hỏi, chia sẻ và tư liệu hóa các bài học kinh nghiệm về tư vấn trợ giúp pháp lý.
Để đạt được mục tiêu đặt ra, dự án có nhiều hoạt động thiết thực như: tổ chức hội thảo phát triển thành viên mạng lưới trợ giúp pháp lý; tập huấn về kỹ năng tư vấn, trợ giúp pháp lý; kỹ năng truyền thông về BĐG, phòng chống BLGĐ, hôn nhân và gia đình cho cộng tác viên; tập huấn kỹ năng tiếp cận với cộng đồng cho luật sư, tư vấn viên pháp lý; xây dựng sổ tay kỹ năng truyền thông pháp luật…Trong đó, dự án tập trung tuyên truyền, trợ giúp pháp lý cho cộng đồng và trẻ em từ 14 đến dưới 18 tuổi về Luật BĐG, Luật Phòng chống BLGĐ, Luật Hôn nhân và gia đình. Hình thức tổ chức tư vấn, trợ giúp pháp lý được tiến hành trực tiếp ở cộng đồng (trợ giúp pháp lý lưu động) và ở văn phòng (tư vấn qua điện thoại, tư vấn trực tuyến)…
Cũng theo ông Phạm Mậu Tài, dự án được xây dựng dựa trên nền tảng nhằm hướng tới các đối tượng hưởng lợi cụ thể gồm: phụ nữ, trẻ em (dưới 18 tuổi), người dân tộc thiểu số và người nghèo (cận nghèo). Các kết quả của dự án được thiết kế để duy trì bền vững sau khi dự án kết thúc, cụ thể như: xây dựng năng lực (kỹ năng và kiến thức) phổ biến và trợ giúp pháp luật cho hệ thống đội ngũ tư vấn viên pháp luật, cộng tác viên trợ giúp pháp lý; duy trì mạng lưới các tình nguyện viên cộng đồng có năng lực để tiếp tục hoạt động cùng các đoàn thể ở thôn xã; xây dựng mối liên kết thông qua hợp tác phối hợp thực hiện dự án với các cơ quan, ngành tư pháp, các tổ chức quần chúng và tổ chức xã hội tham gia hỗ trợ pháp lý cho cộng đồng…
Từ đó, dự án sẽ thúc đẩy, duy trì sự tiếp cận đầy đủ những kiến thức pháp lý về hôn nhân gia đình, BĐG và phòng chống BLGĐ; góp phần giảm thiểu tình trạng BBĐG và BLGĐ ở cộng đồng người Vân Kiều ở 2 huyện Quảng Ninh và Lệ Thủy.
Ngày 21-8-2019, tại TP. Đồng Hới, Quỹ Phát triển nông thôn và Giảm nghèo (RDPR) đã tổ chức hội thảo giới thiệu và khởi động dự án “Thúc đẩy tiếp cận công lý về hôn nhân và gia đình, BĐG và phòng chống BLGĐ cùng cộng đồng người nghèo và dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Bình”.
Tại hội thảo, các đại biểu tham dự đã đóng góp nhiều ý kiến tích cực cho báo cáo nghiên cứu đánh giá đầu kỳ dự án về thực trạng BĐG và bạo lực về giới cũng như góp ý cho kế hoạch triển khai dự án.
Được biết, dự án là một trong 14 sáng kiến về chủ đề BĐG và gia đình, được Quỹ Thúc đẩy sáng kiến Tư pháp (Quỹ JIFF) tài trợ thuộc hợp phần của Chương trình “Tăng cường Pháp luật và Tư pháp tại Việt Nam”, gọi tắt là “Chương trình EU JULE” được thực hiện trên cơ sở Hiệp định Tài chính số DCI-ASIE/2014/037-404 đã được ký kết giữa Chính phủ Việt Nam và Liên minh Châu Âu ngày 2-12-2015 và cụ thể hóa tại Quyết định số 2218/QĐ-BTP ngày 18-8-2018 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp.
Tác giả bài viết: BBT-RDPR
Nguồn tin: bdt.quangbinh.gov.vn