Ngày 27 tháng 4 năm 2012, Quỹ Phát triển Nông thôn và Giảm nghèo huyện Quảng Ninh đã tổ chức thành công Hội thảo "Góp ý báo cáo nghiên cứu sông Long Đại" tại Trung tâm Bồi dưỡng Chính trị huyện Quảng Ninh.
Hội thảo "Góp ú báo cáo nghiên cứu sông Long Đại"Mục tiêu của hội thảo nhằm nhận được sự đóng góp ý kiến của lãnh đạo địa phương và các ban ngành chuyên môn cấp tỉnh và huyện về Báo cáo nghiên cứu sông Long Đại do RDPR thực hiện bởi tổ chức Quỹ Toàn cầu Xanh (GGF) tài trợ. Đồng thời nâng cao nhận thức cho tham dự viên về lợi ích do dòng sông mang lại đối với người dân sống ven sông và cảnh báo những nguy cơ tác động tới môi trường sông, bao gồm việc xây dựng thủy điện. Hoạt động nghiên cứu và hội thảo nhằm mục đích kêu gọi mọi người cùng tham gia bảo vệ môi trường cho sông Long Đại được “trinh nguyên”.
Sông Long Đại Tham dự hội thảo có lãnh đạo huyện Quảng Ninh, gồm ông Trần Hải Châu – Tỉnh ủy viên- Bí thư huyện ủy – HĐND huyện Quảng Ninh, đại diện các phòng ban của huyện, đại diện lãnh đạo của các xã ven sông Long Đại như xã Trường Sơn, Trường Xuân, Hiền Ninh, Hàm Ninh, TT Quán Hàu và đại diện người dân sống ven sông. Đặc biệt có ông Lê Huấn- nguyên Chủ tịch huyện Quảng Ninh đến tham dự và có bài tham luận chia sẻ về tiềm năng phát triển du lịch sinh thái của thác Tam Lu trên sông Long Đại cần được giữ gìn và bảo vệ. Đại diện cơ quan cấp tỉnh có Chi cục Bảo vệ Môi trường, Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản, Chi cục Thủy lợi. Hội thảo cũng có sự tham dự của bà Lâm Thu Sửu- điều phối Mạng lưới sông ngòi Việt Nam tại miền Trung.
Tại hội thảo, đại diện các cơ quan quản lý nhà nước cấp tỉnh đã chia sẻ thông tin qua các báo cáo tham luận về những vấn đề nguy cơ ảnh hưởng sông ngòi Quảng Bình nói chung và sông Long Đại nói riêng. Chi cục Bảo vệ môi trường đã chia sẻ tham luận " Tổng quan sông ngòi tỉnh Quảng Bình và các nguy cơ gây ô nhiễm sông". Chi cục BVMT nhấn mạnh về những nguyên nhân chủ yếu gây ô nhiễm sông Long Đại từ nguồn nước thải sinh hoạt chưa qua xủ lí, khai thác khoáng sản chưa ứng dụng công nghệ xử lí, các bãi rác xuống cấp, nước thải từ chợ, bệnh viện, trường học... Đại diện Chi cục Bảo vệ Nguồn lợi thủy sản tham gia hội thảo với tham luận về nguy cơ tác động đến nguồn lợi thủy sản tỉnh Quảng Bình. Đại diện Chi cục Thủy lợi Quảng Bình có bài tham luận tập trung sâu hơn về các thông số kĩ thuật đối với những tác động khi xây dựng thủy điện trên sông Long Đại.
Toàn cảnh hội thảo Trọng tâm của hội thảo là phần trình bày báo cáo kết quả nghiên cứu về sông Long Đại của ông Phạm Mậu Tài- Giám đốc RDPR, chủ nhiệm đề tài nghiên cứu. Báo cáo đã mô tả được thực trạng về vai trò và lợi ích của sông Long Đại trong hoạt động sinh kế, giao thông đi lại, đời sống văn hóa và quan hệ xã hội của các cộng đồng ven sông, đặc biệt là hộ nghèo, người dân tộc thiểu số. Phân tích và Dự báo những ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp đến điều kiện phát triển bền vững về kinh tế- xã hội, môi trường, tài nguyên và văn hóa của các cộng đồng ven sông trong trường hợp xây dựng đập vùng thượng lưu. Đặc biệt nghiên cứu đã nêu được quan điểm và khuyến nghị nhằm tham gia đóng góp cho các nhà quản lý và chính quyền địa phương về những khía cạnh liên quan đến phát triển bền vững lưu vực sông Long Đại hiện tại và tương lai.
Báo cáo nghiên cứu đã nhận được sự đóng góp bổ sung ý kiến của các đại biểu đại diện các ban ngành tỉnh, huyện và lãnh đạo địa phương. Nhiều ý kiến đề xuất thêm một số giải pháp bảo vệ môi trường sông thông qua công tác vận động tuyên truyền; xây dựng hành lang xanh dọc bờ sông để ngăn xói mòn, lũ lụt; tận dụng địa hình dốc, dòng chảy và các bờ đá đẹp của sông để phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng nhằm góp phần phát triển kinh tế bền vững cho bà con sống ven sông và cần có các biện pháp xử lí các trường hợp vi phạm đánh bắt thủy sản bằng biện pháp huỷ diệt. Đặc biệt các ý kiến trong hội thảo đều không đồng tình với việc xây dựng thủy điện trên sông Long Đại do những nguy cơ có thể xảy ra đối với môi trường và xã hội tại địa phương. Các ý kiến đề xuất để thực hiện xây dựng thủy điện cần tiếp tục có các nghiên cứu đầy đủ hơn về kĩ thuật, địa hình địa mạo, tác động xã hội và cần có sự tham gia của các bên liên quan trong quá trình lập dự án xây dựng.
Qua hội thảo này đã góp phần nâng cao nhận thức đối với các nhà quản lí chính quyền địa phương và các tổ chức có liên quan có thêm những thông tin chi tiết về lợi ích của sông Long Đại đối với đời sống của người dân và thực trạng về những nguy cơ đe dọa đến môi trường sông, đặc biệt về những cảnh báo có thể xảy ra khi xây dựng thủy điện gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sông.
Hội thảo đã nhận được sự thống nhất cao của các nhà quản lí, chính quyền địa phương, các tổ chức có liên quan cùng người dân địa phương có cùng tiếng nói trong việc bảo vệ dòng sông không xây dựng thủy điện và cùng chung tay bảo vệ dòng sông Long Đại mãi “trinh nguyên”, bảo tồn được vẻ đẹp tự nhiên và vẻ đẹp văn hóa của người dân sống ven sông.