Banner tiếng Việt
Vietnamese English

Hội thảo phổ biến thực trạng đất rừng và phương án giao đất giao rừng

Đăng lúc: Thứ hai - 22/04/2013 15:07 - Người đăng bài viết: admin
UBND xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh, ngày 26/10 cho biết, UBND xã này vừa có tờ trình gửi UBND tỉnh về việc thu hồi hơn 3 ngàn ha diện tích đất trồng rừng của các đơn vị quản lý trên địa bàn xã, giao cho nhân dân sản xuất.
Theo đó, ngày 29/8/2011, theo nguyện vọng của người dân, UBND xã Trường Sơn đã có tờ trình số 26/TTr-UBND trình UBND tỉnh, UBND huyện Quảng Ninh, các sở ngành có liên quan. Ngay sau đó, UBND tỉnh Quảng Bình đã chỉ đạo các ban ngành liên quan vào cuộc. Đến ngày 7/2/2012, UBND huyện Quảng Ninh đã quyết định thành lập Ban chỉ đạo, tổ giúp việc kiểm tra phối hợp với Trung tâm Quy hoạch địa chính tỉnh rà soát trạng thái đất, rừng tại xã Trường Sơn.

Sau 3 đợt, các thành phần tham gia rà soát đã thống nhất chốt số liệu và đề nghị thu hồi hơn 3.100 ha diện tích đất rừng do các đơn vị quản lý (Lâm trường Trường Sơn, Lâm trường Khe Giữa và Ban Quản lý rừng hộ Long Đại) để giao cho UBND xã Trường Sơn chia cho người dân sản xuất. Liên quan đến vấn đề người dân thiếu đất rừng sản xuất, ngày 25/10, Quỹ phát triển nông thôn và giảm nghèo huyện Quảng Ninh (RDPR) đã phối hợp với UBND xã Trường Sơn tổ chức “Hội thảo phổ biến thực trạng đất rừng và phương án giao đất giao rừng”. Hội thảo có sự tham gia của ông Phạm Mậu Tài, Giám đốc RDPR, lãnh đạo UBND xã và tất cả các Trưởng bản, Bí thư chi bộ xã Trường Sơn.
Tại Hội thảo, các đại biểu đến từ các bản đều đưa ra quan điểm chung là việc bà con thiếu đất sản xuất đang là vấn đề nhức nhối, cấp bách. Việc thiếu đất sản xuất, đặc biệt là diện tích đất trồng rừng đã ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của bà con nhân dân.  

Nhiều đại biểu cho rằng, các lâm trường trồng rừng đóng trên địa bàn xã Trường Sơn đã lấn chiếm một số diện tích rất lớn của bà con, và họ mong rằng các cơ quan chức năng liên quan cần sớm thu hồi số diện tích này để giao lại cho bà con trồng rừng kinh tế  nhằm sớm ổn định cuộc sống.
“UBND xã Trường Sơn cần phải kiểm tra số diện tích mà các đơn vị quản lý đã lấn chiếm đất rừng của bà con. Nếu số diện tích rừng trồng bị lấn chiếm đã đến tuổi khai thác thì xã cần phải đưa ra các biện pháp cụ thể, nhằm đốc thúc các lâm trường này khẩn trương khai thác và sớm giao lại cho bà con”, một đại biểu ở thôn Long Sơn thẳng thắn đưa ra quan điểm.  

Còn bà Hồ Thị Con cũng đưa ra dẫn chứng cụ thể trong việc thoát khỏi đói nghèo bằng việc phát triển trồng rừng: “Hiện nay các bản làng trên địa bàn xã trồng lúa, khoai, sắn… đều kém phát triển và mang lại hiệu quả kinh tế thấp. Tôi thấy chỉ có trồng keo là hiệu quả nhất. Cụ thể, ở bản Bến Đường có hộ trồng được 1.000 cây keo, đến kỳ thu hoạch bán được 34 triệu đồng, có nơi trồng 2.000 cây bán được 20 triệu,... Như vây, nếu cấp trên giao đất cho người dân trồng keo thì đời sống của bà con sẽ sớm được cải thiện đáng kể và từng bước thoát khỏi đói nghèo”.

Trao đổi với Dân trí, ông Nguyễn Tiến Dũng, Phó Chủ tịch UBND xã Trường Sơn cho biết, Trường Sơn là một xã miền núi đặc biệt khó khăn, xã có 970 hộ dân với hơn 4 ngàn nhân khẩu, trong đó người dân tộc Vân Kiều chiếm hơn 60%, tỷ lệ hộ nghèo của xã là 52%.  Hiện nay toàn xã có 159 hộ dân chưa được giao đất rừng và đất sản xuất.
Từ việc thiếu đất sản xuất nên đời sống nhân dân còn gặp rất nhiều khó khăn. Vì thế chúng tôi kiến nghị với chính phủ, các cấp ban ngành cần sớm bổ sung, điều chỉnh các chính sách giao đất lâm nghiệp, đât sản xuất cho người dân trồng rừng kinh tế, từng bước sớm ổn định kinh tế cho đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng biên dưới; đồng thời chính phủ cũng cần có những chính sách hỗ trợ trực tiếp cho đồng bào dân tộc trong việc trồng rừng sản xuất để nâng cao thu nhập, đảm bảo các vấn đề về an sinh xã hội ngày càng phát triển.
 


Nguồn tin: Báo điện tử Dân Trí
 

Kết nối cộng đồng

Videos